Ảnh minh họa: Internet |
Nhiều lợi thế từ hội nhập
Tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018 với chủ đề: “Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới - Chủ động, đổi mới, thiết thực và hiệu quả” diễn ra ngày 4/12, tại Hà Nội, một số ý kiến cho rằng, bên cạnh các thách thức từ hội nhập thì Việt Nam đang có nhiều lợi thế. Một khi đã tận dụng được những lợi thế thì những thách thức sẽ được hóa giải, thậm chí biến thách thức thành cơ hội.
Về cơ hội của Việt Nam từ góc độ hội nhập, ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhìn nhận, hiện Việt Nam đang ngày càng gắn kết sâu rộng hơn với thế giới. Tiến trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng đang đi đúng hướng. Và những chuyển biến mạnh mẽ trong cục diện chính trị, kinh tế thế giới cũng đặt ra những cơ hội không nhỏ cho Việt Nam. Đó là, 10 năm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008 - 2009), kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi và tăng trưởng tích cực... Việt Nam là nước được đánh giá hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để có thể hiện thực hóa những cơ hội mới to lớn này.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương đồng tình và cho rằng, những xu thế và diễn biến mới trong tình hình kinh tế thế giới hiện nay có thể mang lại một số cơ hội quan trọng cho Việt Nam. Cụ thể là với việc chuẩn bị thực hiện CPTPP và chờ phê chuẩn EVFTA, Việt Nam được đánh giá là có thể cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu, qua đó tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% vào năm 2035.
Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế khẳng định, 30 năm qua, Việt Nam có nhiều lợi thế từ hội nhập. Vốn đầu tư nước ngoài liên tục gia tăng, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gắn với xu thế chung của thế giới rất tốt, đó là hình thành mạng sản xuất, chuỗi giá trị,… Đặc biệt, từ hội nhập chúng ta có cơ hội để cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhưng thách thức sẽ không giảm đi
Nhìn thấy cơ hội đang mở ra từ hội nhập mang lại đối với nền kinh tế, song ông Sơn không quá lạc quan khi cho rằng, những thách thức, khó khăn đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục ngày càng gia tăng, tác động đến tất cả các nước, nhất là các quốc gia có độ mở của nền kinh tế lớn như Việt Nam. Những thách thức này là: Xu hướng bảo hộ gia tăng; cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi sản xuất…
Phân tích mô kinh kinh tế Việt Nam hiện nay, PGS.TS. Vũ Minh Khương đến từ Đại học Lý Quang Diệu (Singapore), thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng chỉ ra, mô hình kinh tế và động lực tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc rất sâu vào thương mại quốc tế. Theo đó, nền kinh tế cũng dễ bị tổn thương mỗi khi có biến động xấu toàn cầu. Và để hạn chế điểm yếu này, ông Khương gợi ý về việc xây dựng chiến lược hiệu lực biến điểm yếu này thành lợi thế chiến lược thông qua mô hình SMART để thấu hiểu cục diện phát triển cũng như thực lực nội tại. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể thành lập hội đồng cải biến kinh tế với trọng tâm đẩy mạnh cải cách để thúc đẩy các nỗ lực bắt kịp với hội nhập; đi đầu trong nắm bắt và thúc đẩy thương mại tư do và công bằng.
Đại diện Bộ Ngoại giao cũng đưa ra 6 đề xuất để Việt Nam tận dụng lợi thế và tiếp tục hội nhập, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. Trong đó, ông Sơn đặc biệt lưu ý đến việc xử lý tốt mối quan hệ giữa chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao sức mạnh tổng thể quốc gia, phát triển được nhiều “gen Việt” trong nền kinh tế…
Dẫn lại triết lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” (1945 - 1946), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, trong tình hình kinh tế hiện nay, để hội nhập thành công chúng ta cũng cần lấy “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Theo đó, Việt Nam phải mạnh lên bằng cách chủ động, đổi mới hội nhập tích cực với bên ngoài và cải cách mạnh mẽ thể chế bên trong nhằm hội nhập thành công.