Mục đích là đề phòng nếu xảy ra rủi ro trong quá trình xây dựng |
Nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư
Phân tích về BHCT, ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng HCA cho biết, BHCT là một trong những yếu tố quan trọng giúp quản lý rủi ro của dự án. BHCT là 1 phần chi phí thuộc tổng mức đầu tư của dự án, nhằm mục đích đề phòng nếu xảy ra rủi ro trong quá trình xây dựng thì CĐT, NT đã có một khoản bồi thường chi trả để khắc phục hậu quả nhanh chóng. Nếu không mua bảo hiểm, khi rủi ro xảy ra, CĐT, NT không có vốn để khắc phục và dự án dễ bị chậm tiến độ hoặc phải dừng thi công.
Tuy nhiên, đại diện một Sở Xây dựng cho biết, có thực tế đang tồn tại là trước khi Luật Xây dựng năm 2014 có hiệu lực, việc mua bảo hiểm tại nhiều công trình xây dựng dân dụng từ nguồn vốn tư nhân, CĐT thường “quên” không mua bảo hiểm với lý do yếu tố rủi ro thấp. Ngoài ra, với một số công trình được thực hiện từ nguồn vốn nhà nước, việc “quên” mua BHCT cũng đôi khi xẩy ra và chỉ được phát hiện qua công tác thanh, kiểm tra; hoặc khi công trình xẩy ra sự cố. Đại diện Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt cũng cho biết thêm, lý do CĐT không tham gia mua bảo hiểm là vì mục đích cắt giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận.
Luật Xây dựng năm 2014 quy định bảo hiểm xây dựng là bắt buộc. Từ căn cứ này, Dự thảo Nghị định quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng do Bộ Tài chính soạn thảo và trình Chính phủ (dự kiến ban hành trong 1 tháng nữa), đã nêu rõ trách nhiệm mua bảo hiểm của các chủ thể. Trong đó, CĐT (hoặc NT trong trường hợp phí BHCT được tính vào giá hợp đồng) phải mua bảo hiểm đối với các công trình sau: công trình quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp; công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng; công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường; công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp…
Nhà thầu cũng được “nhắc tên”
Theo ThS. Đỗ Việt Đức thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngành xảy ra nhiều tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng nhất trong những năm qua là ngành xây dựng (chiếm khoảng 30% số vụ TNLĐ chết người). Riêng trong năm 2014, xảy ra 6.709 vụ TNLĐ làm 6.941 người bị nạn. Trong các vụ TNLĐ, trách nhiệm lớn nhất thuộc về phía các NT, chủ thể trực tiếp quản lý và sử dụng NLĐ. Cũng theo thống kê, khi có TNLĐ, công nhân luôn chịu thiệt thòi. Việc bồi thường cho các rủi ro nhằm bù đắp chi phí y tế, thậm chí chi phí đền sinh mạng NLĐ rất thấp và mang tính tự thỏa thuận giữa các bên, không tuân thủ theo nguyên tắc nào, tất nhiên NT luôn ở thế có lợi, vì họ không mua bảo hiểm cho NLĐ.
Nhằm khắc phục bất cập, cũng như bảo vệ quyền lợi của NLĐ, nâng cao trách nhiệm của NT, đại diện Vụ Pháp chế thuộc Bộ Tài chính nhấn mạnh, Dự thảo Nghị định quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng quy định rõ: NT tư vấn phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên; rủi ro được bảo hiểm đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn là mọi rủi ro trong quá trình khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, không bao gồm các rủi ro loại trừ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. NT thi công xây dựng bắt buộc phải mua bảo hiểm đối với NLĐ thi công trên công trường: NLĐ bị thương tích thì mức bồi thường cụ thể cho từng loại tổn thương cơ thể được xác định căn cứ Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, NLĐ bị tử vong, số tiền bảo hiểm là 100 triệu đồng/người/vụ.
Bên cạnh đó, để CĐT, NT có ý thức cao nhất về mua BHCT và để các quy định trên đi vào thực tiễn, theo một số chuyên gia, cần sớm ban hành các chế tài, mức xử phạt cụ thể cho từng hành vi vi phạm; các cơ quan chức năng cần thực hiện giám sát, thanh tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm chế độ bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.