Hoạt động cho vay tiêu dùng đang ngày càng phát triển tại Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN |
Tín dụng tiêu dùng trong thời gian tới sẽ có nhiều tiềm năng phát triển tại thị trường Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nhưng cũng phải tăng cường kiểm soát rủi ro như có hệ thống chấm điểm tín dụng cho khách hàng nhằm kiểm soát mục tiêu sử dụng của khách hàng tốt hơn.
Lãi suất đã hợp lý ?
Tại Việt Nam những năm gần đây, hoạt động cho vay tiêu dùng đang ngày càng phát triển. Số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tính đến cuối năm 2016, cho vay tiêu dùng đạt 646.000 tỷ đồng, tăng 48% so với cuối năm 2015 và chiếm 13,1% tổng cho vay của toàn bộ nền kinh tế.
Bên cạnh đó, theo dự báo mới nhất của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), quy mô thị trường tài chính tiêu dùng sẽ đạt mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng liên tục từ 20 - 30%/năm từ năm 2010, nhiều chuyên gia cho rằng con số 1 triệu tỷ đồng có thể sớm đạt được so với dự báo.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ này cho thấy tín dụng tiêu dùng đã đánh trúng vào nhu cầu của người dân, đặc biệt là bộ phận giới trẻ với nhu cầu vay những khoản nhỏ để mua sắm cá nhân (máy tính, xe máy, điện thoại...) hay những người có thu nhập thấp và không có tài sản đảm bảo cần vốn để phát triển kinh doanh.
Tuy nhiên, khi thị trường tài chính càng phát triển thì lãi suất cho vay tiêu dùng lại càng được quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất hiện nay đang ở mức khá cao khiến người dân khó tiếp cận nguồn vốn.
Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Vũ Đình Ánh. Ảnh: VnEconomy
Trao đổi về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay hoàn toàn được điều tiết bởi thị trường. Nó sẽ giảm xuống khi thị trường cho vay tiêu dùng đủ lớn với mức độ cạnh tranh giữa các công ty tài chính với nhau và với các tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng khác. Lãi suất cho vay tiêu dùng khi đó sẽ được thiết lập theo quan hệ cung cầu và quy luật cạnh tranh đầy đủ.
"Và khi người dân vẫn vay, nợ xấu cho vay tiêu dùng chưa quá lớn thì chứng tỏ mức lãi suất hiện tại đã phù hợp với thị trường", Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận định.
Nhiều tiềm năng phát triển
Theo chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Cấn Văn Lực, tín dụng tiêu dùng đang chiếm khoảng 8% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng và tương đương 9% GDP nền kinh tế. Như vậy vẫn còn nhỏ so với thị trường 94 triệu dân. Trong khi đó, tại các nước, tín dụng tiêu dùng chiếm từ 16-20% tổng dư nợ.
Tín dụng tiêu dùng cũng làm tăng tín dụng thật của lĩnh vực tiêu dùng, chứ không phải vào lĩnh vực nhiều rủi ro như cho vay chứng khoán hay bất động sản, đồng thời kích thích văn hóa tiêu dùng của Việt Nam – giảm dùng tiền mặt và đặc biệt là hạn chế tín dụng đen ở vùng nông thôn.
Mặt khác, tỷ lệ tiếp cận dịch vụ tài chính ở Việt Nam còn hạn chế, 39% người lớn có tài khoản ở ngân hàng nhưng chỉ 1% giao dịch thực hiện bằng thẻ tín dụng. Ngoài ra, sự phát triển của dịch vụ tài chính số sẽ là một điều kiện thuận lợi để tín dụng tiêu dùng phát triển.
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính-ngân hàng. Ảnh: TTXVN
Do đó, bên cạnh kênh tín dụng truyền thống, tín dụng tiêu dùng trong thời gian tới sẽ còn nhiều tiềm năng phát triển tại thị trường Việt Nam, hứa hẹn góp phần tăng mạnh doanh thu và lợi nhuận cho các tổ chức tài chính, ngân hàng.
Tăng thêm các tổ chức cho vay
Trước thực tế số lượng các công ty tài chính (đặc biệt là công ty tài chính chuyên về cho vay tiêu dùng) hiện còn khá ít, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng cần tạo điều kiện để các tổ chức có khả năng cung cấp tín dụng tiêu dùng phát triển. Bởi có tăng thêm các tổ chức cho vay tiêu dùng thì người vay mới có cơ hội hưởng nhiều dịch vụ và chất lượng tốt hơn. Từ đó, chi phí, lãi suất cũng có cơ hội giảm bớt.
Còn theo ông Cấn Văn Lực, công ty tài chính tiêu dùng và hệ thống ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nhưng cũng phải đẩy mạnh kiểm soát rủi ro như có hệ thống chấm điểm tín dụng cho khách hàng nhằm mục đích kiểm soát mục tiêu sử dụng của khách hàng tốt hơn.
"Nhưng đây chưa phải là yếu tố duy nhất giúp tín dụng tiêu dùng phát triển bền vững", ông Lực chia sẻ.
Trong hoạt động cho vay, không thể không kể tới khách hàng. Khi thị trường cho vay tiêu dùng ngày càng phát triển thì số lượng cũng như đối tượng khách hàng cũng ngày càng mở rộng.
Thực tế đáng lo ngại là phần lớn người đi vay hiện nay thường chỉ tính đến lãi suất cho vay, thời hạn vay, số tiền phải trả hàng tháng mà ít quan tâm đến các điều khoản khác trong hợp đồng ký kết. Chỉ đến khi không may xảy ra sự cố trong quá trình trả góp khoản vay, họ mới cảm thấy “bất ngờ”.
Do vậy, ông Vũ Đình Ánh đề xuất rằng cần phải đẩy mạnh giáo dục tài chính cá nhân (cách quản lý tiền hiệu quả, vay vốn sao cho hợp lý…) nhất là với các đối tượng khách hàng như nông dân, những người có kiến thức ít ỏi về tài chính và pháp luật.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty luật Thiên Thanh. Ảnh: BNEWS
Thêm vào đó, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty luật Thiên Thanh cũng khuyến cáo khách hàng trước khi đặt bút ký nên đọc thật kỹ hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn làm rõ nội dung hợp đồng. Đặc biệt lưu ý các điều khoản về lãi suất, thời hạn và phương thức trả nợ, cách tính tiền phạt, cơ quan tài phán cho các tranh chấp, điều kiện để chấm dứt trước thời hạn, các trường hợp bất khả kháng… Và trong quá trình thực hiện hợp đồng, nên lưu giữ tất cả hóa đơn, tài liệu liên quan để đề phòng những tranh chấp phát sinh sau này.