Ảnh minh họa: Internet |
Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận thức được những lợi ích và rủi ro tiềm tàng của hoạt động cho vay ngang hàng và đang tiến hành nghiên cứu, đánh giá những ưu điểm, nhược điểm, các rủi ro và các vấn đề liên quan, đặc biệt là khía cạnh bảo vệ người tiêu dùng. Đây là phát biểu của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh tại Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về cho vay ngang hàng vừa diễn ra.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu sau cuộc hội thảo này, ông Phạm Xuân Hòe, chuyên gia về ngân hàng nói: “Từ chia sẻ của các chuyên gia trong nước và quốc tế cho thấy, việc quản lý hoạt động cho vay ngang hàng là không dễ dàng và cần sự phối hợp của nhiều cơ quan và phân công rõ vai trò của từng cơ quan. Chẳng hạn, hình thức huy động vốn cộng đồng (crowdfunding) do Ủy ban Chứng khoán quản lý, cung ứng vốn vay do NHNN quản lý, dịch vụ bảo hiểm do Bộ Tài chính quản lý, chất lượng phần mềm công nghệ lại do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý”.
Về kinh nghiệm quốc tế về cho vay ngang hàng, ông Hòe cho biết: “Tôi có hỏi kinh nghiệm của Thái Lan và được biết là họ mất đến 2 năm mới hoàn tất việc xây dựng hành lang pháp lý thử nghiệm đối với cho vay ngang hàng. Đối tượng được lựa chọn thử nghiệm là những doanh nghiệp ít rủi ro nhất, có năng lực tốt song vẫn cần giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, trước câu hỏi về việc giải quyết các doanh nghiệp tham gia thử nghiệm khi dừng thử nghiệm, đại diện Thái Lan cho biết họ chưa tính đến điều đó. Không chỉ Thái Lan, một số nước tại Đông Nam Á cũng đã cho phép thử nghiệm cho vay ngang hàng”.
Với thực tiễn Việt Nam, vị chuyên gia này cho rằng, cần xây dựng hành lang pháp lý thử nghiệm (sandbox) dưới hình thức một nghị định để cấp phép hoạt động thử nghiệm cho các mô hình cho vay này. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực này cần giới hạn hoạt động về không gian, đối tượng khách hàng, hạn mức cho vay, lãi suất… Đồng thời, cần có một cơ quan đầu mối quán xuyến việc quản lý này, từ đó đưa ra quy trình cấp phép cho thử nghiệm và đánh giá lại theo từng giai đoạn.
Chuẩn bị xây dựng “sandbox”
Theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, NHNN đã đưa ra một số nội dung dự kiến trong cơ chế quản lý thử nghiệm với công nghệ tài chính, trong đó có các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cho vay ngang hàng. Cơ chế quản lý thử nghiệm fintech dự kiến sẽ bắt đầu được xây dựng trong năm nay.
Theo đó, NHNN sẽ là cơ quan đầu mối tiếp nhận các hồ sơ xin tham gia thử nghiệm. Các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ fintech tham gia cơ chế thử nghiệm phải mang tính sáng tạo, đổi mới, có đóng góp tích cực trong đổi mới, hiện đại hóa hoạt động ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Giải pháp fintech được xét duyệt phải là giải pháp sáng tạo lần đầu được áp dụng tại Việt Nam hoặc giải pháp được ứng dụng cho dịch vụ mới, có tính sáng tạo cao góp phần mang lại lợi ích cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy mục tiêu mở rộng phổ cập tài chính.
Các giải pháp được xét duyệt cũng phải đáp ứng yêu cầu về thiết kế quản lý rủi ro tốt, không có hoặc ít có khả năng gây ra tác động xấu tới các tổ chức tài chính nói riêng và cả hệ thống tài chính nói chung; là giải pháp được thiết kế bao gồm các giải pháp xác thực khách hàng, nhận diện giao dịch đáng ngờ, ngăn chặn giao dịch đáng ngờ, xác thực đơn vị chấp nhận thanh toán… phù hợp với các quy định về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.