Chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay: Thực thi nhất quán, chú trọng hậu kiểm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các quy định và hướng dẫn về hỗ trợ lãi suất cho vay cần thực thi nhất quán giữa các ngân hàng, quy định rõ thời hạn xét duyệt hồ sơ vay và chú trọng công tác giám sát mục đích sử dụng vốn vay để đảm bảo hiệu quả thực thi chính sách.
Việc hỗ trợ lãi suất thực hiện trên cơ sở đề nghị của khách hàng và chấp thuận của ngân hàng thương mại tại thời điểm giải ngân khoản vay hoặc ký kết thỏa thuận cho vay. Ảnh: Nhã Chi
Việc hỗ trợ lãi suất thực hiện trên cơ sở đề nghị của khách hàng và chấp thuận của ngân hàng thương mại tại thời điểm giải ngân khoản vay hoặc ký kết thỏa thuận cho vay. Ảnh: Nhã Chi

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (Dự thảo Nghị định) và Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định theo Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị quyết 11/NQ-CP về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Dự thảo Nghị định, việc hỗ trợ lãi suất thực hiện trên cơ sở đề nghị của khách hàng và chấp thuận của ngân hàng thương mại tại thời điểm giải ngân khoản vay hoặc thời điểm ký kết thỏa thuận cho vay.

Về phương thức hỗ trợ lãi suất, Dự thảo Nghị định nêu: “Đến từng kỳ hạn thu lãi tiền vay của khách hàng, ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng thông qua việc giảm trừ trực tiếp số lãi tiền vay phải trả của khách hàng bằng với số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất. Căn cứ kết quả hỗ trợ lãi suất của ngân hàng thương mại đối với khách hàng, ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất đối với ngân hàng thương mại”.

Theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định, ngân hàng thương mại có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định và Thông tư để tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống, trong đó quy định cụ thể các nội dung về hỗ trợ lãi suất tại thỏa thuận cho vay, phụ lục sửa đổi, bổ sung thỏa thuận cho vay, chứng từ nhận nợ giữa ngân hàng thương mại và khách hàng.

Định kỳ vào ngày mùng 5 hằng tháng, các ngân hàng thương mại báo cáo NHNN về kết quả hỗ trợ lãi suất, tạm cấp bù lãi suất theo mẫu biểu đính kèm Thông tư.

Ban soạn thảo cho biết, việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất sẽ gặp một số thách thức. Theo đó, việc triển khai đồng thời chương trình hỗ trợ lãi suất trong bối cảnh thực thi chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng có thể tạo thách thức trong việc đảm bảo hiệu quả, hiệu lực điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Lãi suất cho vay thấp cũng làm gia tăng hành vi sử dụng vốn thiếu cẩn trọng của doanh nghiệp, rủi ro đạo đức gia tăng, khách hàng có tâm lý chây ỳ không trả nợ vì cho rằng được Nhà nước hỗ trợ, cho vay đảo nợ để hưởng chính sách… Từ đó có thể dẫn tới gia tăng nợ xấu; gây khó khăn cho việc điều hành chính sách tiền tệ, tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động ngân hàng và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhà nước khó có thể kiểm soát, giám sát toàn bộ quá trình thực hiện hỗ trợ nên có thể xảy ra nguy cơ trục lợi chính sách (như cung cấp thông tin, hồ sơ không trung thực để thuộc đối tượng hưởng ưu đãi).

Ngoài ra, tổ chức tín dụng có thể có tâm lý không muốn triển khai chương trình do hệ lụy từ triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây (một số khoản cho vay đã bị cơ quan công an điều tra, việc tạm cấp và quyết toán tiền hỗ trợ chậm…), dẫn tới khả năng hấp thụ, hiệu quả, kết quả chương trình có thể không được như kỳ vọng.

Do quy mô thực hiện chương trình lớn trong khi nguồn nhân lực thanh tra, giám sát của NHNN còn hạn chế nên việc thanh tra, giám sát hỗ trợ lãi suất của các tổ chức tín dụng không thể phổ quát trên phạm vi rộng. Cần có giải pháp kiểm soát quá trình hỗ trợ lãi suất để đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng đối tượng.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, các nội dung căn bản về hoạt động cho vay tại Dự thảo Nghị định và Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định tương tự các quy định hiện tại với các khoản vay thương mại thông thường, khó tránh được tình trạng trục lợi chính sách. Do đó, rất cần chú trọng công tác hậu kiểm với các khoản vay. Trong khi đó, vì việc cho vay theo chương trình hỗ trợ không mang lại nhiều lợi ích kinh tế trước mắt cho các tổ chức tín dụng nên cần có giải pháp mang tính giao nhiệm vụ thực thi để các ngân hàng tích cực triển khai.

Theo ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI), thay vì các ngân hàng thương mại ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất thì NHNN cần có hướng dẫn chung và nhất quán thực hiện trong cả hệ thống. Điều này nhằm tránh tình trạng ngân hàng muốn cho vay vì mục đích riêng thì quy định dễ dãi hơn và ngược lại, hay nói cách khác, tránh tình trạng doanh nghiệp nộp hồ sơ ở ngân hàng A thì không được duyệt nhưng mang sang ngân hàng B thì vẫn được duyệt.

“Cần có thêm quy định về thời hạn xét duyệt hồ sơ vay hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp thuận tiện tính toán các phương án và kịp thời nắm bắt được cơ hội kinh doanh. Quan trọng nhất vẫn là chú trọng giám sát và hậu kiểm việc sử dụng các khoản vay đúng mục đích để đảm bảo hiệu quả thực thi chính sách”, ông Minh nói.

Chuyên đề