(Nguồn: Nikkei - IHS Markit) |
Nikkei – IHS Markit đã cho biết như vậy khi công bố Báo cáo khảo sát về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Theo đó, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã tăng từ mức 51,8 điểm trong tháng 8 lên 53,3 điểm trong tháng 9.
“Kết quả chỉ số cho thấy các điều kiện kinh doanh trong tháng đã cải thiện mạnh mẽ với tốc độ cải thiện là đáng kể nhất kể từ tháng 4. Sức khỏe của lĩnh vực sản xuất đã mạnh lên trong suốt 22 tháng qua”, Báo cáo nêu rõ.
Theo đó, nhu cầu của khách hàng trong tháng đã tăng dẫn đến mức tăng mạnh và nhanh về số lượng đơn đặt hàng mới - mức tăng đáng kể nhất trong 5 tháng. Tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng nhanh hơn trong tháng 9.
Sản lượng ngành sản xuất cũng tăng tháng thứ 11 liên tiếp, với mức tăng đáng kể nhất kể từ tháng 4. Tất cả ba lĩnh vực thị trường khảo sát đều có sản lượng tăng, đứng đầu là các công ty sản xuất hàng hóa tiêu dùng.
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên đã góp phần gây sức ép lên năng lực sản xuất, như đã được thể hiện qua việc lượng công việc tồn đọng tiếp tục tăng.
Để đáp ứng lượng công việc lớn hơn, các công ty đã tăng số lượng nhân viên. Hơn nữa, tốc độ tạo việc làm đã nhanh hơn thành mức cao của thời kỳ 6 tháng. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 9. Kết quả là, tồn kho hàng thành phẩm đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, và đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2016.
Đáng chú ý, tốc độ tăng chi phí đầu vào đã nhanh hơn đáng kể do giá nguyên vật liệu tăng. Cụ thể, chi phí đầu vào đã tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2011. Giá cả đầu vào tăng đã làm các công ty phải tăng giá cả đầu ra trong tháng 9 lần đầu tiên trong 5 tháng. Tuy nhiên, tốc độ tăng là nhỏ do có áp lực cạnh tranh.
Đặc biệt, Báo cáo cho biết, các nhà sản xuất vẫn lạc quan cho rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới, và sự lạc quan có được là do những dự báo tăng của số lượng đơn đặt hàng mới và các kế hoạch mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, mức độ lạc quan đã giảm so với mức cao của năm tháng được ghi nhận trong tháng 8.
Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, Andrew Harker – chuyên gia tại IHS Markit (công ty thu thập kết quả khảo sát) cho biết, quý 3 đã kết thúc với một ghi nhận tích cực đối với các nhà sản xuất Việt Nam khi nhu cầu khách hàng tăng đã thổi luồng sinh khí mới cho lĩnh vực sản xuất. Số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng đáng kể, từ đó giúp sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng tăng nhanh hơn. Nhờ đó, các nhà sản xuất có thể tiếp tục tăng trưởng trong quý cuối năm.
“Tuy nhiên, áp lực lạm phát đã xuất hiện trở lại. Mức tăng chi phí là mạnh nhất trong sáu năm khi có áp lực đối với nguồn cung nguyên vật liệu. Về phần mình, các công ty đã phải tăng giá bán hàng lần đầu tiên kể từ tháng 4”, vị chuyên gia này lưu ý.