Một số nhóm chi phí khám chữa bệnh bình quân/1 lượt khám chữa bệnh tăng mạnh so với năm 2018 như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, tiền ngày giường… Ảnh minh họa: Internet |
Hàng loạt địa phương lạm chi
Lũy kế đến hết tháng 8/2019, số chi bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 207.664 tỷ đồng, đạt 62,5% kế hoạch cả năm. Trong đó, chi BHXH từ nguồn ngân sách nhà nước là 28.856 tỷ đồng, chi BHXH từ Quỹ BHXH là 106.476 tỷ đồng, chi Quỹ BHTN là 4.688 tỷ đồng và ước chi KCB BHYT là 67.644 tỷ đồng.
Một số địa phương có tình trạng chi KCB BHYT tăng cao so với dự toán Chính phủ giao như: Vĩnh Long 88,24%; Ninh Thuận 71,84%; Đắk Nông 71,04%; Nghệ An 69,99%... 6 tháng đầu năm 2019, chi phí KCB BHYT bình quân/1 lượt KCB tại Vĩnh Long tăng 25,26% so với cùng kỳ năm 2018; Thừa Thiên Huế tăng 12,09%; Lai Châu tăng 10,50%…, trong khi toàn quốc tăng trung bình 2,01%.
Trong khi một số nhóm chi phí KCB bình quân/1 lượt KCB trên toàn quốc có chiều hướng giảm thì một số địa phương lại có chiều hướng đi lên. Đối với chi bình quân xét nghiệm/1 lượt KCB, Vĩnh Long tăng 9,51%; Sóc Trăng tăng 4,9%... trong khi toàn quốc giảm 5,48%. Chi bình quân chẩn đoán hình ảnh/1 lượt KCB tại Ninh Thuận tăng 21,27%; Vĩnh Long tăng 17,32%..., toàn quốc giảm 5,97%. Chi bình quân tiền ngày giường/1 lượt KCB tại Nam Định tăng 19,93%; Tiền Giang tăng 15,54%; Bến Tre tăng 14,47%; Đồng Tháp tăng 12,5%; Vĩnh Long tăng 12,21%..., toàn quốc giảm 2,68%.
Cùng với việc một số nhóm chi phí tăng mạnh, một biểu hiện bất thường nữa được BHXH Việt Nam chỉ ra là tỷ lệ người bệnh vào điều trị nội trú tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, Phú Yên tăng 13,66%; Thái Nguyên tăng 12,67%; Vĩnh Long tăng 12,59%; Bạc Liêu tăng 11,71%; Sơn La tăng 11,25%... Trong khi đó, tỷ lệ này của toàn quốc lại giảm 0,87%. Đặc biệt, một số tỉnh phía Bắc trong 7 tháng năm 2019 có tỷ lệ người bệnh vào điều trị nội trú rất cao như: Phú Thọ 17,70%, Sơn La 17,61%; Vĩnh Phúc 15,95%...
Một trong những nguyên nhân gây vượt nguồn dự toán của Chính phủ giao, theo BHXH Việt Nam, là do việc đấu thầu, mua sắm, sử dụng một số thuốc cùng hoạt chất, cùng nhóm tiêu chí kỹ thuật (TCKT), cùng đường dùng, có giá cao khi quy đổi về cùng hàm lượng, hoặc mua sắm, lựa chọn sử dụng thuốc, vật tư y tế giá cao so với giá bình quân của các tỉnh lân cận dẫn đến sự gia tăng chi phí KCB BHYT bất hợp lý. Đơn cử như TP.HCM, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Giang, Hưng Yên, Lai Châu, Nghệ An, Thanh Hóa...
Ngoài ra, tình trạng chi vượt dự toán còn do việc quản lý và thanh toán đối với các bệnh mãn tính tại cơ sở KCB không đúng quy định (Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp….); thanh toán trùng giữa hai cơ sở KCB (tại Đồng Tháp một ngày một bác sĩ chủ trì hội chẩn trên 365 lượt người bệnh...); cơ sở KCB lập hồ sơ khống để thanh toán chi phí KCB với cơ quan BHXH (Bệnh viện ACA - tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện Y học cổ truyền và Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Sơn La, Bệnh viện Tâm Trí - TP.HCM)…
Hạn chế chi phí gia tăng bất thường
Để đảm bảo việc ký hợp đồng và thanh toán chi phí KCB BHYT theo đúng quy định hiện hành, sử dụng nguồn kinh phí KCB BHYT tiết kiệm, hiệu quả, giảm chi từ tiền túi người bệnh, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh tập trung phân tích đánh giá để xác định rõ các nguyên nhân cụ thể gây gia tăng chi phí bất thường, tổ chức làm việc với các cơ sở KCB có chi phí KCB BHYT gia tăng bất thường, đề nghị cơ sở KCB điều chỉnh về chỉ tiêu hợp lý, đồng thời theo dõi, giám sát đảm bảo chuyển biến thực chất của cơ sở KCB.
Khi có diễn biến bất thường, các đơn vị định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất có văn bản báo cáo và xin ý kiến tỉnh ủy, UBND tỉnh và thông báo với sở y tế về tình hình sử dụng nguồn dự toán Chính phủ giao. Trong đó đánh giá, chỉ rõ các các cơ sở KCB có tình trạng gia tăng chi phí bất thường; tăng chỉ định vào điều trị nội trú; có ngày điều trị nội trú kéo dài không hợp lý; có tình trạng thu gom người bệnh, lập khống hồ sơ thanh toán; giá thuốc, vật tư y tế đấu thầu quá cao so với địa phương khác cùng thời điểm…Từ đó, đề xuất tham mưu giải pháp với tỉnh ủy, UBND tỉnh để có văn bản chấn chỉnh, chỉ đạo kịp thời.
Riêng đối với việc lựa chọn nhà thầu (LCNT) cung cấp thuốc, BHXH các tỉnh cần tham gia có hiệu quả vào quá trình LCNT tại địa phương. Đánh giá kết quả LCNT kỳ trước và tham khảo giá trúng thầu được BHXH Việt Nam cung cấp trên trang web của ngành và các tỉnh lân cận để từ đó làm căn cứ xây dựng kế hoạch sử dụng. Tổng hợp, phân tích các nguyên nhân hạn chế, bất cập để rút kinh nghiệm trong kỳ đấu thầu tiếp theo. Việc lựa chọn, đề xuất danh mục và số lượng sử dụng đối với từng hoạt chất, dạng bào chế, đường dùng theo nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật phải đảm bảo sử dụng hợp lý, an toàn và hiệu quả, tránh lãng phí. Phát hiện kịp thời các thuốc ít cạnh tranh, chi phí cao để có ý kiến ngay trong quá trình xây dựng, thẩm định kế hoạch LCNT.
Cơ quan BHXH cần theo dõi sát tiến độ đấu thầu thuốc, có ý kiến kịp thời, tránh tình trạng chậm đấu thầu dẫn đến thiếu thuốc phục vụ điều trị và phát sinh việc mua sắm không đúng quy định. Đồng thời, tăng cường công tác giám định để việc lựa chọn, chỉ định sử dụng và thanh toán thuốc đúng quy định, hiệu quả tại các cơ sở KCB.