Chi hơn 57 tỷ USD nhập khẩu điện tử, máy tính trong 11 tháng qua

0:00 / 0:00
0:00

Dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu 11 tháng vừa qua là mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 57,4 tỷ USD (chiếm 24,5% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 24,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước trong 11 tháng. (Ảnh: TTXVN)
Điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 24,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước trong 11 tháng. (Ảnh: TTXVN)

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 11 tháng qua cả nước đã chi 234,78 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Ước tính khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhập khẩu với giá trị khoảng 149,35 tỷ USD, tăng 9,4%; trong khi khu vực kinh tế trong nước đạt 85,43 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết tháng 11, số mặt hàng nhập khẩu vượt 1 tỷ USD là 34 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,4% tổng kim ngạch nhập khẩu; trong đó có 4 mặt hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD.

Dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu là mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 57,4 tỷ USD (chiếm 24,5% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, trong 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 33,1 tỷ USD; điện thoại và linh kiện đạt 14,6 tỷ USD, tăng 9,3%; vải đạt 10,6 tỷ USD, giảm 12,3%; chất dẻo đạt 7,5 tỷ USD, giảm 9,4%...

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 73,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Hàn Quốc đạt 42 tỷ USD, giảm 2,9%.

Cũng trong 11 tháng vừa qua, Việt Nam nhập từ thị trường ASEAN đạt 27,3 tỷ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, tăng 4,8%; thị trường EU đạt 13,2 tỷ USD, tăng 4,3% và Hoa Kỳ đạt 12,6 tỷ USD, giảm 3,6%.

Chuyên đề