Các nhà đầu tư đang bắt đầu đặt câu hỏi liệu thị trường chứng khoán Việt Nam có thể lặp lại được mức tăng trưởng 48% trong năm ngoái sau khi mất 12% trong tháng 4 - tháng tồi tệ nhất trong năm nay của thị trường chứng khoán Việt Nam - bất chấp nền kinh tế và thị trường IPO đang bùng nổ.
Tăng trưởng GDP quý I.2018 của Việt Nam đạt 7,4%, mức cao nhất trong một thập kỷ.
Công ty Cổ phần Vinhomes đã thu về 1,35 tỷ USD trong đợt IPO vừa qua, mức lớn nhất trong lịch sử của đất nước, vượt qua mức 922 triệu USD trong đợt IPO Techcombank vào tháng 4.
Nhưng với lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên trên 3% kể từ tháng 4, mức cao nhất trong 4 năm qua, giới phân tích lo ngại rằng các quỹ, trước đó đang săn tìm các tài sản thị trường mới nổi bao gồm cả chứng khoán Việt Nam, có thể bắt đầu rút lui.
Ngoài các yếu tố bên ngoài như trên, một số nhà đầu tư lo ngại rằng định giá cổ phiếu của Việt Nam đang trở nên đắt đỏ, với mức PE 17,86 lần trong năm 2018.
Andreas Vogelsanger, giám đốc điều hành của Asia Frontier Capital (Việt Nam), cho biết những quan ngại rằng định giá cổ phiếu Việt Nam lên quá cao là điều đúng đắn, nhưng có thể nó chỉ giới hạn trong 12-14 cổ phiếu lớn nhất. Ông vẫn nhận thấy giá trị từ các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình, với mức PE 9,5 lần và lợi suất cổ tức là 7%.
Vogelsanger nói: “Giá cổ phiếu của 12-14 công ty hàng đầu đã tăng đến mức không thực tế trong 9 tháng trước khi điều chỉnh vào tháng 4. PE của các công ty này đã lên quá cao. Nhưng ngoài 12-14 cổ phiếu lớn đã đẩy chỉ số VN Index tăng, phần lớn thị trường đã không tham gia vào đà tăng này”.
Vogelsanger cho biết việc chuyển dần sản xuất sang Việt Nam từ các nước khác như Trung Quốc đã thúc đẩy tăng trưởng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong ba năm qua lên mức cao kỷ lục.
Giải ngân FDI đạt mức cao kỷ lục 17,5 tỷ USD vào năm 2017. Trong quý I.2018, giải ngân FDI tăng 9% so với cùng kỳ.
Ví dụ, Samsung Electronics đã xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất tại Việt Nam và tuyển dụng hơn 100.000 người.
Đầu tư nước ngoài vào ngành sản xuất của Việt Nam, cũng như lĩnh vực cơ sở hạ tầng đang giúp gia tăng tầng lớp trung lưu của đất nước, ông nói thêm rằng điều này sẽ khuyến khích người tiêu dùng chi cho các dịch vụ tài chính như bảo hiểm.
Ngân hàng Thế giới dự báo tầng lớp trung lưu của Việt Nam, hiện chiếm 13% trong tổng dân số 95 triệu người, sẽ tăng lên 26% dân số vào năm 2026.
Tất cả những yếu tố kinh tế vĩ mô tích cực này đều tốt cho các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa, ông Vogelsanger nhận định.