Samsung đã chọn Thái Nguyên để triển khai dự án đầu tư Tổ hợp công nghệ cao Samsung chuyên sản xuất điện thoại di động... |
Câu chuyện Samsung
Trong 5 năm đầu có mặt tại Việt Nam, Tập đoàn Samsung tập trung đầu tư tại Bắc Ninh và đã gặt hái được rất nhiều thành công. Xuất phát từ nhu cầu rất cao của thị trường toàn cầu, Samsung muốn mở rộng quy mô và đẩy nhanh tiến độ đầu tư tại Việt Nam. Sau khi khảo sát cẩn trọng tại nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Năm 2013, Samsung đã chọn Thái Nguyên để triển khai dự án đầu tư Tổ hợp công nghệ cao Samsung chuyên sản xuất điện thoại di động và các sản phẩm điện tử công nghệ cao tại Khu công nghiệp Yên Bình (thị xã Phổ Yên).
Trao đổi trên báo chí, đại diện tập đoàn này cho rằng: “Quyết định đầu tư vào Thái Nguyên là 1 sự kiện đối với Samsung trên toàn thế giới. Nhờ có sự giúp đỡ tích cực từ phía Chính phủ Việt Nam cũng như chính quyền tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi đã có thể xây dựng được nhà máy với quy mô lớn nhất trong thời gian nhanh nhất.”.
Tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Thái Nguyên 2018, lãnh đạo của Samsung Việt Nam đã chia sẻ về lý do chọn Thái Nguyên. Theo Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Shim Won Hwan đánh giá yếu tố cơ sở hạ tầng của Thái Nguyên rất tuyệt vời.
“Đặc biệt, với những doanh nghiệp toàn cầu quy mô lớn như chúng tôi cơ sở hạ tầng hậu cần phục vụ cho nguyên vật liệu và sản xuất là vô cùng quan trọng. Tỉnh Thái Nguyên nằm cách sân bay Nội Bài chỉ 30 phút, Thái Nguyên và Hà Nội cũng được kết nối bởi tuyến cao tốc nên rất thuận tiện cho nhân viên đi làm cũng như vận tải, lưu chuyển”, ông Shim Won Hwan phân tích.
Đánh giá về yếu tố thu hút nhân lực, ông Shim Won Hwan cho biết, Thái Nguyên nằm ở trung tâm của khu vực miền Bắc nên việc cung cấp nhân lực của địa phương cũng như các tỉnh thành lân cận là khá thuận lợi. Đặc biệt tại Thái Nguyên có 7 trường đại học và cao đẳng, cái nôi của rất nhiều nhân tài ưu tú. Về phương diện kinh doanh của doanh nghiệp, nguồn nhân lực chính là yếu tố quan trọng nhất, mà chính Thái Nguyên lại đang có được điều kiện thuận lợi này.
Đại diện nhà đầu tư Samsung còn đánh giá cao tấm lòng hiếu khách của người dân Thái Nguyên. Ông cho biết, “người dân Thái Nguyên ở xung quanh nhà máy luôn rất tốt và đối xử với nhân viên trẻ của chúng tôi như là con cháu của mình vậy.” Ông cho rằng, tấm lòng của người dân Thái Nguyên như vậy chính là sự động viên và hỗ trợ lớn cho nhân viên Samsung yên tâm làm việc. Và ông luôn biết ơn người dân Thái Nguyên vì điều đó.
Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Xuân Hòa cho biết, dự án Samsung Electro – Mechanics Việt Nam được giữ nguyên ưu đãi đầu tư theo Nghị quyết số 03/2013/NQ-HĐND về ưu đãi đầu tư đối với dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam.
Lợi thế từ dự án tỷ đô
Sau hiện tượng Samsung, Thái Nguyên ngày càng bứt phá. Năm 2018, có 35 doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung. Nếu tính cả các nhà cung ứng cấp 2 và các nhà cung cấp dịch vụ, đã có 627 doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng, chiếm khoảng 30% tổng số các nhà cung ứng của Samsung.
Tính đến hết năm 2018, tỉnh có 6 khu công nghiệp lớn và hơn 20 cụm công nghiệp vừa và nhỏ, thu hút được 163 dự án, trong đó có đến 83 dự án FDI, nâng tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng 7,63 tỷ USD và trên 11.000 tỷ đồng đối với các dự án đầu tư trong nước.
Một điều rõ nét có thể nhận thấy tác động từ Samsung là dòng người lao động dịch chuyển về Thái Nguyên. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh giải quyết việc làm cho gần 120 nghìn người, thu nhập bình quân đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng. Thái Nguyên trở thành trung tâm thu hút giới chuyên viên, kỹ sư, chuyên gia nước ngoài và công nhân rất lớn.
Năm 2017, tổng số lao động trong khối doanh nghiệp FDI là 99.300 người, tăng 6,9% so với năm 2016; năm 2018 là trên 105.000 lao động. Chỉ tính riêng với Tập đoàn Samsung tại Thái Nguyên, qua 5 năm đầu tư tại đây, công ty đã thường xuyên sử dụng trên 70.000 lao động tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận.
Bộ mặt các đô thị Thái Nguyên đang ngày càng thay đổi. Từ năm 2009, tỉnh xây mới nhiều tuyến đường quan trọng, kết nối với các khu công nghiệp và những tỉnh thành lân cận. Có thể kể đến như đường nối quốc lộ 3 mới, tuyến Thái Nguyên - Bắc Kạn, Hà Nội - Thái Nguyên... Ngoài ra, tỉnh đang tiếp tục triển khai một số dự án trọng điểm như Cầu Dẽo, đường vành đai V rút ngắn thời gian di chuyển vào Hà Nội.
Năm 2018, Ngân hàng Thế giới đã chi khoản tín dụng trị giá 80 triệu USD nhằm nâng cao chất lượng đô thị Thái Nguyên. Ngoài ra, chính quyền cũng đối ứng nguồn vốn 20 triệu USD, nâng tổng chi phí dự án ước tính 100 triệu USD.
Có thể nói, những nỗ lực thu hút đầu tư và tạo nên môi trường phát triển bền vững cho doanh nghiệp như Thái Nguyên sẽ góp phần rất lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong quá trình hội nhập.