Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đề xuất bãi bỏ một số thủ tục trong quá trình đăng ký doanh nghiệp, đẩy mạnh đăng ký doanh nghiệp qua mạng... Ảnh: Lê Tiên |
Tiếp tục bãi bỏ một số thủ tục không cần thiết
Dự thảo Tờ trình Dự án Luật mới nhất cho thấy, Luật DN và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của DN. Năm 2018, cả nước có 131.275 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.478.101 tỷ đồng. So với năm 2014, số lượng DN thành lập mới trong năm qua tăng gấp 1,75 lần (so với 74.842 DN) và số vốn đăng ký thành lập mới tăng gấp 3,4 lần (so với 432.286 tỷ đồng).
Ngân hàng Thế giới ghi nhận, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam tăng từ hạng 125 năm 2014 lên hạng 104 trên 190 quốc gia năm 2019; thời gian thực hiện giảm từ 34 ngày xuống còn 17 ngày.
Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, một số nội dung của Luật DN không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho DN trong việc tuân thủ, trong đó có một số thủ tục hành chính để đăng ký kinh doanh.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, thực tiễn thực hiện Luật DN đã cho thấy có một số thủ tục hành chính không còn cần thiết hoặc không còn mục tiêu quản lý nhà nước rõ ràng. Đơn cử là thủ tục thông báo mẫu dấu (Điều 44), thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý DN (Điều 12).
Với mục tiêu cụ thể của sửa đổi Luật DN lần này là tiếp tục làm cho DN kinh doanh với chi phí thấp hơn, an toàn hơn, qua đó tăng cường thu hút và huy động mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Dự thảo Luật đề xuất bãi bỏ một số thủ tục không cần thiết. ”Việc sửa đổi nội dung này của Luật DN để nhằm thực thi Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ về nâng hạng chỉ số gia nhập thị trường”, Dự thảo Tờ trình nêu rõ.
Theo đó, Dự thảo Luật DN (sửa đổi) đề xuất bãi bỏ thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý DN (bãi bỏ Điều 12); thủ tục gửi thông tin cho cơ quan đăng ký kinh doanh nơi DN đặt trụ sở chính khi thành lập chi nhánh, đặt địa điểm kinh doanh mới (bãi bỏ Khoản 1 Điều 34, Khoản 4 Điều 46). Bãi bỏ thủ tục đăng ký mẫu con dấu trước khi sử dụng (bãi bỏ Khoản 2, Khoản 4 và Khoản 5 Điều 44) và quy định rõ việc DN có quyền quyết định có hoặc không có con dấu.
“Giả sử mỗi DN tiết kiệm được 2 ngày trong thực hiện thủ tục gia nhập thị trường thì 100 DN sẽ tiết kiệm được hàng trăm ngày công… Nhìn về lợi ích kinh tế, nếu chậm 2 ngày để đưa cơ sở kinh doanh vào hoạt động thì 2 ngày đó DN không có doanh thu mà lại phải chịu khoản chi phí về vốn, về lãi suất…”, một chuyên gia kinh tế phân tích khi đề cập lợi ích của cải cách gia nhập thị trường.
Cũng tại Dự thảo Luật DN (sửa đổi) lần này, cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi Điều 1, Điều 2 Luật DN năm 2014 để bổ sung hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật. Theo Bộ KH&ĐT, trên cơ sở quy định của Luật, Chính phủ sẽ tiếp tục quy chi tiết về tổ chức quản lý, hoạt động nhằm đảm bảo môi trường thể chế phù hợp với tính chất và quy mô của hộ kinh doanh và bình đẳng giữa tất cả các loại hình DN.
Đẩy mạnh đăng ký kinh doanh qua mạng
Dự thảo Luật DN (sửa đổi) lần này bổ sung quy định về đăng ký DN qua mạng thông tin điện tử theo hướng quy định hồ sơ điện tử có giá trị như hồ sơ giấy; người thành lập DN nộp hồ sơ điện tử không phải nộp thêm hồ sơ giấy như hiện nay (sửa đổi Điều 27).
Theo thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ KH&ĐT, thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng sẽ giúp DN tiết kiệm thời gian và chi phí. Theo quy định pháp luật về đăng ký DN, việc thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng được miễn 100% phí đăng ký(nếu thực hiện đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi nội dung đăng ký DN bằng hình thức truyền thống thì phải mất khoản chi phí 200.000 đồng/DN). “Giả sử năm 2018, cả nước có 131.275 DN thành lập mới mà đều thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng thì con số tiết kiệm được rất lớn”. Hơn nữa, việc thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng góp phần minh bạch hóa hoạt động đăng ký kinh doanh, hạn chế tối đa những tiêu cực có thể phát sinh từ sự can thiệp của con người. Toàn bộ quy trình đăng ký DN cũng như tình trạng hồ sơ DN đều được công khai hóa trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN.
“Đến thời điểm này, không còn bất kỳ cản trở nào đối với việc đẩy mạnh đăng ký kinh doanh qua mạng, bởi hạ tầng kỹ thuật, cơ sở pháp lý đã sẵn sàng”, đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh khẳng định và cho rằng, để thúc đẩy đăng ký kinh doanh qua mạng, rất cần sự quan tâm vào cuộc của lãnh đạo chính quyền các địa phương.
Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh ghi nhận, tính đến ngày 20/6/2019, tỷ lệ DN đăng ký kinh doanh qua mạng của cả nước bình quân là trên 62%. Một số địa phương có tỷ lệ DN đăng ký kinh doanh qua mạng cao, điển hình như: Hà Nội đạt 97,9%; TP.HCM là 65%.