Cấp thiết gỡ “nút thắt” về quyền tài sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quyền tài sản là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, “thước đo” quyền tài sản là Chỉ số đăng ký tài sản của Việt Nam trong hầu hết các bảng xếp hạng trên thế giới đều có thứ hạng rất thấp.
Cần sớm thực hiện các giải pháp để nâng hạng chỉ số đăng ký tài sản nói riêng và quyền tài sản nói chung nhằm tạo cơ hội thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ảnh: Nhã Chi
Cần sớm thực hiện các giải pháp để nâng hạng chỉ số đăng ký tài sản nói riêng và quyền tài sản nói chung nhằm tạo cơ hội thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ảnh: Nhã Chi

“Rào cản” với môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: “Một trong những “rào cản” đối với môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam hiện nay chính là quyền tài sản khi Chỉ số đăng ký tài sản có thứ hạng rất thấp. Trong khi đó, những nước có chỉ số này dưới 100 đều là những nước cuối bảng xếp hạng”.

Dẫn chứng cho điều này, bà Thảo cho biết, nhìn từ chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của các tổ chức quốc tế, trong đó có Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB), suốt giai đoạn 2014 - 2019, Chỉ số đăng ký tài sản của Việt Nam liên tục giảm bậc, năm 2019 ở vị trí 98 trên bảng xếp hạng. Đến năm 2020, chỉ số này xếp vị trí 104. Nhiều năm qua, Việt Nam không có cải cách nào được ghi nhận.

“Thực trạng nói trên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của DN khi không thể dùng tài sản để làm nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, từ đó mất đi cơ hội kinh doanh”, bà Thảo nhấn mạnh.

Hiện nay, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký chuyển nhượng tài sản của Việt Nam rất dài, khoảng 53,5 ngày, trong khi Singapore chỉ mất 4,5 ngày, còn Malaysia mất 16,5 ngày. Bên cạnh đó, chất lượng quy định về hành chính đất đai của Việt Nam còn thấp, đạt 14/30 điểm, trong khi Singapore là 28,5 điểm, Malaysia là 26,5 điểm.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, nhìn Chỉ số đăng ký tài sản ở cả 2 khía cạnh là pháp lý và thực thi ở Việt Nam đều cho thấy chưa có nhiều biến chuyển trong thời gian qua. Về khía cạnh pháp lý, những cải cách, cải thiện chỉ số này gần như “giậm chân tại chỗ”; khía cạnh thực thi cũng tương tự, thậm chí thủ tục đăng ký nhà đất trong Chỉ số dường như bế tắc hơn khi một số vướng mắc liên quan đến pháp lý hoặc nghĩa vụ tài chính nhiều năm nay không được giải quyết.

Hệ lụy xấu nếu không thay đổi

Trước thực tế đó, các chuyên gia cho rằng, nếu chỉ số này không được cải thiện sẽ gây nên những hệ lụy đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Thứ nhất, quá trình phát triển của đất nước sẽ bị cản trở khi tài sản của người dân, DN không thể thế chấp, bán, tặng, cho được. Thứ hai, nếu dùng tài sản đó để thực hiện thế chấp thì lại gây rủi ro cho Nhà nước, xã hội... Thứ ba, quá trình thực thi dễ dẫn đến tình trạnh xin - cho, làm kỷ cương pháp luật bị ảnh hưởng…”, ông Đức nêu hệ lụy.

Một báo cáo của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ công bố tháng 3/2021 chỉ ra: Các nước có môi trường kinh doanh thuận lợi đã triển khai khung pháp chế và xây dựng thể chế mạnh nhằm đảm bảo quyền tài sản, liên tục cập nhật khung pháp chế và thể chế về áp dụng công nghệ (giao dịch điện tử, văn bản điện tử, chữ ký điện tử…). Nếu Việt Nam không ưu tiên những vấn đề này thì sẽ khó cải thiện vị trí, thứ hạng trong thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, bởi lẽ sẽ không có nhà đầu tư nào muốn đầu tư vào nơi mà tài sản và trí tuệ của họ không được bảo vệ.

Theo bà Thảo, cần sự vào cuộc khẩn trương và tích cực của các bộ, ngành liên quan để cải thiện các chỉ số thành phần với việc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, nghiên cứu để kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian đăng ký sở hữu và chuyển nhượng tài sản. Cùng với đó, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, lập kế hoạch số hóa và lưu trữ hồ sơ địa chính ở dạng số để đưa vào khai thác sử dụng tại các văn phòng đăng ký đất đai…

Ông Đức cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến vấn đề quyền tài sản với quy định rõ ràng, đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN đầu tư kinh doanh.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, cải cách chỉ số này không chỉ để thăng hạng trên các bảng xếp hạng toàn cầu mà quan trọng hơn là bãi bỏ thực chất hàng ngàn vướng mắc, rào cản đối với hoạt động kinh doanh, làm cho môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn.

Chuyên đề