Cấp bách tháo gỡ khó khăn, vực dậy niềm tin kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý I/2023, lần đầu tiên số doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường tăng mạnh, vượt cả số DN gia nhập thị trường. Tại Báo cáo PCI 2022, chỉ 35% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tiếp theo. Điều này cho thấy niềm tin kinh doanh ở mức thấp, cần sớm có giải pháp để cải thiện.
Nhiều doanh nghiệp không có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh do lo ngại khó khăn của thị trường. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp không có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh do lo ngại khó khăn của thị trường. Ảnh: Lê Tiên

Bức tranh doanh nghiệp trầm lắng

Trải qua một quãng thời gian dài khó khăn trong hoạt động kinh doanh, sức khỏe của khu vực DN ngày càng suy yếu. Trong báo cáo tình hình DN tháng 3 và quý I/2023, Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) đánh giá, hầu hết các ngành nghề đều đang gặp khó khăn. Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch HUBA cho biết, thông qua các cuộc khảo sát của Hiệp hội, có tới 41,2% DN được hỏi cho biết gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp, 17,6% cho rằng bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, 11,2% thiếu nguồn nhân lực phù hợp, 17,6% thiếu vốn kinh doanh, 5,9% thiếu mặt bằng sản xuất, kinh doanh và các khó khăn khác chiếm 6,5%. Số lượng DN trả lời đã ổn định được hoạt động kinh doanh là 52,9% trong khi số doanh nghiệp bị giảm sút cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ là 41,2%.

Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong quý I/2023, tình hình kinh doanh của các DN trên địa bàn Tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, số lượng DN thành lập mới giảm, trong khi số DN rút lui khỏi thị trường lại tăng so với cùng kỳ.

Theo ông Thập, khó khăn lớn nhất đối với DN trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là vấn đề đầu ra hàng hóa hạn chế do cầu thị trường yếu. Ngoài ra, DN khó tiếp cận vốn ngân hàng do lãi suất cho vay dù đã giảm nhưng vẫn còn cao. Cùng với đó, những vướng mắc về thủ tục hành chính cũng là yếu tố làm khó DN. “Có dự án đầu tư đã được Thường trực Tỉnh ủy và UBND Tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư rồi nhưng vẫn chưa được thực hiện, có nội dung đã được xin ý kiến của các sở, ngành rồi vẫn phải xin lại ý kiến nhiều lần”, ông Thập thông tin.

Cũng theo đại diện Hiệp hội DN này, một bộ phận viên chức, công chức, người có thẩm quyền của các sở, ban, ngành ở địa phương sợ trách nhiệm nên khi có ý kiến tham mưu công việc thường kéo dài thời gian, đẩy trách nhiệm, khó khăn, bất lợi cho DN.

Đại diện một DN lớn trong lĩnh vực vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, các DN trên địa bàn đang gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, hàng tồn kho tăng, nợ vòng quanh… “Hầu hết DN hoạt động theo hướng cầm cự để trả nợ ngân hàng, giữ chân người lao động là chính”, đại diện DN nhìn nhận.

Tại tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo Hiệp hội DN cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh tại địa phương đang rất trầm lắng. Nhiều DN phải tạm dừng hoạt động, rút lui khỏi thị trường.

Đề cập về sức khỏe của DN tư nhân Việt Nam, kết quả khảo sát PCI 2022 vừa được VCCI công bố cho thấy, niềm tin của DN tư nhân có dấu hiệu đi xuống, với chỉ 35% DN cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tới. Điều đó có nghĩa là, 65% DN không có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh, thậm chí có gần 11% DN dự định giảm quy mô hoặc đóng cửa.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do thị trường bị thu hẹp, chi phí đầu vào tăng, khó tiếp cận vốn... Ảnh: Lê Tiên

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do thị trường bị thu hẹp, chi phí đầu vào tăng, khó tiếp cận vốn... Ảnh: Lê Tiên

Gấp rút khôi phục niềm tin

Với thực trạng nêu trên cũng như những dự báo kém lạc quan trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Thập cho rằng, điều DN mong mỏi nhất lúc này là cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ khó khăn, giúp DN quay trở lại thị trường. Trong đó, chính quyền địa phương cần giải quyết dứt điểm những kiến nghị, vướng mắc chính đáng mà DN đưa ra tại các kỳ đối thoại, gặp gỡ doanh nhân...

Đối với vấn đề vốn cho DN, những hỗ trợ hiện nay chưa đủ mạnh để giúp DN quay trở lại thị trường, DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Vì thế, ông Thập hy vọng thời gian tới, Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ DN nhiều hơn.

Vị đại diện DN ở Thái Nguyên đề nghị Chính phủ cần thực hiện mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp đã ban hành để khơi thông điểm nghẽn thị trường, nhất là lĩnh vực bất động sản, trái phiếu DN cũng như tăng tốc hơn nữa trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công hay tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Điều này nhằm tạo dư địa để các ngành, các lĩnh vực liên quan như vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo, thương mại, dịch vụ.... phục hồi và phát triển.

Tại Hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương tập trung tháo gỡ thực chất các khó khăn cho DN; đồng thời, quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Đề án xuất khẩu chính ngạch để mở rộng và tận dụng các thị trường cho hàng hóa… Trước tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức, ông Diên yêu cầu, tập trung chấn chỉnh kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, ý thức chấp hành, có cơ chế bảo vệ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác nhiệm vụ.

Đồng tình với các đề xuất từ DN, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ cần nhanh chóng, kịp thời hơn nữa, đặc biệt có thể tìm kiếm thêm giải pháp hỗ trợ hiệu quả nhằm vực dậy niềm tin của DN vào môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như triển vọng của nền kinh tế.

Chuyên đề