Cấp bách gỡ vướng cho nhà đầu tư phát triển điện mặt trời

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Tọa đàm “Nghịch lý thừa điện mặt trời: Giải pháp nào đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp?” diễn ra chiều ngày 15/6, nhiều ý kiến cho biết, việc quản lý điện mặt trời đang gặp nhiều khó khăn, cần giải pháp cấp bách để gỡ vướng cho nhà đầu tư.
Thực tế đang có tình trạng không có lưới truyền tải khiến các dự án điện mặt trời phải cắt giảm công suất. Ảnh minh họa: Internet
Thực tế đang có tình trạng không có lưới truyền tải khiến các dự án điện mặt trời phải cắt giảm công suất. Ảnh minh họa: Internet

Thông tin tại Tọa đàm, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho biết, thực tế đang có tình trạng không có lưới truyền tải khiến các dự án điện mặt trời phải cắt giảm công suất. Nguyên nhân của tình trạng này là do việc đầu tư điện mặt trời diễn ra nhanh trong thời gian qua, nhất là tại khu vực miền Trung và miền Nam, trong khi đó lưới điện truyền tải phân phối chưa kịp bổ sung. Vì vậy, tại các khu vực tập trung nhiều nhà máy điện mặt trời bị quá tải, dẫn đến phải cắt giảm nguồn điện trong một số thời điểm.

Nói rõ hơn về thực trạng này, ông Lê Ngọc Hồ, Phó Giám đốc Ban Đầu tư Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn cho biết, tình trạng cắt giảm công suất của các nhà máy điện mặt trời đang diễn ra thường xuyên, liên tục.

“Có nhà máy chưa từng có một ngày được hoạt động đúng công suất, ngay từ khi bắt đầu vận hành đã bắt buộc phải cắt giảm, một số đến 50% - 60%", ông Hồ cho hay.

Theo ông Hồ, việc các nhà máy điện mặt trời phải cắt giảm công suất gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư, khiến nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong việc chi trả tiền gốc, lãi vay cho ngân hàng. Lý do là nguồn vốn để đầu tư các nhà máy chủ yếu là vay vốn từ ngân hàng.

"Con số thiệt hại vô cùng lớn, nó không chỉ là tiền, mà còn những vấn đề khác. Nếu tình hình cứ kéo dài, doanh nghiệp này chắc chắn sẽ phá sản", ông Hồ tâm tư.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, việc các dự án điện mặt trời không thể giải tỏa hết công suất rất đáng lưu ý, nhất là đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Gỡ khó cho các nhà đầu tư nhà máy điện mặt trời, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, trong thời gian tới cần triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng cao khả năng vận hành linh hoạt của hệ thống điện. Bao gồm các giải pháp về lưới điện thông minh hỗ trợ giám sát vận hành lưới điện; phát triển đồng bộ nguồn – lưới điện; tăng cường hạ tầng để giám sát các nguồn điện (chú trọng nguồn điện nhỏ); nghiên cứu hệ thống lưu trữ năng lượng…

Trước đề xuất để doanh nghiệp điện mặt trời được bán trực tiếp, nhiều chuyên gia tại Tọa đàm cho rằng, đây là đề xuất đáng lưu ý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, nếu đề xuất này thực hiện được sẽ đưa các yếu tố thị trường, thậm chí có cả yếu tố cạnh tranh để xử lý các vấn đề liên quan đến quá trình phát triển thị trường điện kèm theo những thay đổi trong quản lý giá điện trực tiếp giữa người mua- người bán điện. Qua đó, Việt Nam sẽ có được những kinh nghiệm tốt trong phát triển thị trường điện thời gian tới.

Chuyên đề