Ảnh Internet |
Một dự án tưởng chừng nhiều thuận lợi…
Khởi đầu, Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có nhiều yếu tố thuận lợi để sớm được hiện thực hóa: Quyết tâm của các cơ quan liên quan; Nhà đầu tư có kinh nghiệm, tốc độ triển khai dự án nhanh chóng và tiết kiệm; sự khát khao tạo dấu ấn của lãnh đạo địa phương giàu tiềm năng nhưng còn rất nghèo như Lạng Sơn; sự mong đợi của doanh nghiệp và người dân từ nhiều tỉnh thành lên cửa khẩu quốc tế lớn nhất đất nước - Hữu Nghị. Đây là dòng chảy giao thương quan trọng bậc nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chính vì vậy, cửa khẩu này có tác động rất không nhỏ đến việc phát triển kinh tế nhiều tỉnh thành, đặc biệt là ở phía Bắc. Tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng chính là huyết mạch của hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hải Phòng – Quảng Ninh. Việc rút ngắn thời gian giao thông từ Hà Nội và các tỉnh tới Hữu Nghị quan chắc chắn sẽ mang lại lợi thế khác biệt cả về kinh tế lẫn đời sống.
Tuy nhiên, những thông tin mới nhất lại cho thấy, Dự án này đang gặp phải những vướng mắc không nhỏ từ cơ chế và sự vào cuộc của lãnh đạo địa phương chưa thật sự tích cực. Và kịch bản xấu nhất là Dự án sẽ phải dừng lại.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lạng Sơn ngày 24/9/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ rất rõ ràng về việc thu xếp vốn cho Dự án này. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo Ngân hàng Công thương Việt Nam (Viettinbank) giải quyết các vướng mắc tín dụng của nhà đầu tư, đảm bảo một đầu mối thu xếp vốn để khẩn trương thực hiện đoạn cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (bao gồm 17,5 km đoạn kết nối đến các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam) với mục tiêu hoàn thành và đưa vào khai thác toàn tuyến đường cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị Quan vào năm 2020… nhằm kết nối với tuyến đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Tiếp đó, khi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cao Bằng, ngày 23-24/11/2018, nhận thấy tiến độ của Dự án gặp vấn đề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Vietinbank khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, thống nhất cùng BIDV đồng tài trợ thu xếp tín dụng cho dự án trong tháng 12/2018, đảm bảo hoàn thành dự án này trong năm 2020 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở triển khai tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh trong giai đoạn 2019-2025. Để tháo gỡ một phần khó khăn, Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, cùng Bộ Tài chính xử lý kiến nghị tăng vốn điều lệ của Vietinbank để ngân hàng này có đủ điều kiện thu xếp vốn cho các dự án BOT. Tuy nhiên, qua quá trình rà soát, Vietinbank lại nhìn thấy một số bất cập khác về cơ chế, chính sách, ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của Dự án.
Theo phương án tài chính ban đầu, tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn sẽ được hoàn vốn bằng 2 trạm thu phí. Tuy nhiên, để phục vụ vấn đề an sinh xã hội, UBND tỉnh Lạng Sơn, Bộ GTVT và nhà đầu tư đã thống nhất phương án giảm đi 1 trạm thu phí. Chưa hết, số đối tượng được miễn giảm phí cho người dân địa phương khi qua trạm duy nhất, cũng nhiều gấp 10 lần phương án ban đầu (thực tế có đến 5.000 xe được miễn giảm, trong khi phương án tài chính chỉ có 500 xe).
Sự điều chỉnh và phát sinh đó đã khiến cho cả hai dự án trọng điểm (cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng) với tổng mực đầu tư rất lớn, lại chỉ có nguồn thu duy nhất từ một trạm thu phí (Km93+160 trên Quốc lộ 1).
Theo tính toán của Viettinbank, Chi nhánh Hà Nội, sự điều chỉnh này khiến ngân hàng bị thiếu hụt nguồn trả lãi vay gốc tới hàng trăm tỉ (660 tỉ cho 4 năm đầu dự án Bắc Giang – Lạng Sơn và 112 tỉ cho hai năm đầu dự án Hữu Nghị - Chi Lăng) so với phương án tài chính ban đầu. Như vậy, nếu không giải quyết được bài toán nguồn thu, không những Vietinbank không thu xếp vốn cho cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng mà có thể còn dừng giải ngân cho dự án trọng điểm sắp hoàn thành là Bắc Giang – Lạng Sơn, trong khi dự án này đang được nhà đầu tư thi công thần tốc và phấn đấu tiết kiệm cho Nhà nước khoản tiền không nhỏ. Nếu bài toán này không có đáp số nhanh và chính xác, cả hai dự án đều không thể hoàn thành.
Không quyết liệt, đường cao tốc chỉ nằm trên giấy
Theo ý kiến của nhà đầu tư, để thực hiện Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, UBND tỉnh Lạng Sơn (cơ quan quản lý nhà nước của Dự án) đóng vai trò quyết định trong việc thành bại của cả hai dự án nói trên. Vì vậy, Lạng Sơn phải chính là đơn vị tiên phong trong việc tháo gỡ những vướng mắc của Dự án bằng các giải pháp thay thế cơ chế trong thẩm quyền và đề xuất Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc vượt thẩm quyền.
Có rất nhiều lựa chọn giải pháp được đưa ra để tháo gỡ tín dụng cho dự án như: rà soát lại thực tế đối tượng miễn giảm, điều chỉnh mức thu phí, phục hồi thêm 1 trạm thu phí như phương án ban đầu; huy động các nguồn vốn khác từ ngân sách, quỹ đất và hạ tầng trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn (nhà đầu tư dự án): “Trong trường hợp UBND tỉnh Lạng Sơn không thể thực hiện được các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án thì nhà đầu tư kiến nghị ưu tiên dùng nguồn thu từ trạm thu phí duy nhất (Km93+160 trên Quốc lộ 1) hỗ trợ dòng tiền trả nợ cho Dự án Bắc Giang – Lạng Sơn để dự án này về đúng tiến độ. Đồng thời chấp nhận kịch bản xấu nhất là tạm dừng việc thực hiện Dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có biện pháp tháo gỡ. Về phần mình, chúng tôi đang nỗ lực hết mức để kiến nghị, tìm giải pháp trong khả năng để tháo gỡ thế bế tắc này”.
So với cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, dự án cao tốc trọng điểm Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) xuất hiện sau, nhưng tỉnh Cao Bằng đã nỗ lực tìm mọi cách để huy động được 30% kinh phí. Thậm chí, bí thư tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn đã cam kết trách nhiệm người đứng đầu của mình với dự án: “Nhà đầu tư không phải lo sợ rủi ro về tư duy nhiệm kỳ do thay đổi chính sách. Bây giờ cái gì xác định là điểm nghẽn phải tháo gỡ ngay mới mong Cao Bằng phát triển. Dự án này là khát vọng bao đời của nhân dân tỉnh Cao Bằng. Hiện nay, cả hệ thống chính trị của Cao Bằng đang vào cuộc quyết liệt để công trình triển khai sớm nhất".
Thực tiễn cho thấy, sự vào cuộc tích cực, hỗ trợ của chính quyền địa phương là động lực để nhà đầu tư mạnh dạn, yên tâm khi đầu tư một dự án PPP hàng nghìn tỷ đồng. Một con đường trọng điểm không thể hoàn thành chỉ bằng ý chí, quyết tâm, khát vọng mà cần “hành động trọng điểm” – dồn lực tháo gỡ nhanh chóng những vướng mắc cho Dự án. Nếu không biến quyết tâm thành “hành động trọng điểm” nguy cơ sẽ chỉ có một con đường nằm… trên giấy.