Tiến độ thi công Dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được cải thiện rõ nét khi vướng mắc về nguồn cát đắp nền được tháo gỡ. Ảnh: Nhã Chi |
Ông Lê Nguyễn Phú Trường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp (chủ đầu tư) cho biết, tiến độ thi công các hạng mục xây lắp thuộc DATP 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có bước cải thiện rõ nét khi vướng mắc về nguồn cát đắp nền được tháo gỡ. Các nhà thầu được cấp đủ số lượng cát và sẽ hoàn thành gia tải vào cuối năm 2024. Nhu cầu cát đắp cho DATP 1 khoảng 2,3 triệu m3, trong đó riêng năm 2024 là 1,7 triệu m3. Từ giữa tháng 5/2024, nguồn cát bắt đầu về công trường.
Gói thầu chính của DATP 1 là Gói thầu số 14 Thiết kế bản vẽ thi công và thi công xây dựng có giá 2.805 tỷ đồng do Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C - Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng DACINCO đảm nhiệm. Tại thời điểm đầu tháng 10/2024, các nhà thầu đã huy động khoảng 360 người, hơn 80 thiết bị để tổ chức thi công đồng loạt toàn tuyến.
Theo Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông Đồng Tháp, tới cuối tháng 9/2024, giá trị xây lắp thực hiện đạt khoảng 993,4 tỷ đồng, tương đương 39% giá trị hợp đồng. Năm 2024, kế hoạch vốn đầu tư công bố trí cho DATP 1 là 882 tỷ đồng, giá trị đã giải ngân đạt 878,4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Tuân, Chỉ huy trưởng (Công ty CP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C) cho biết, khi được bàn giao mỏ cát theo cơ chế đặc thù, các nhà thầu khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục theo quy định để đưa vào khai thác. Với 3 mỏ cát đang hoạt động, sản lượng cát về công trường phục vụ thi công cao tốc đã đạt 707.000 m3. Từ khi có cát, tiến độ thực hiện Dự án tăng từng ngày và hiện đạt 39% giá trị xây lắp. Mới nhất, ngày 6/10, mỏ cát thứ 4 thuộc Phường 11 và xã Tân Thuận Tây, TP. Cao Lãnh bắt đầu được khai thác. “VNCN đảm nhiệm thi công 9,4 km nên khối lượng cát đắp nền cần 1,2 triệu m3. Sau khi khởi công, lượng cát về ít nên chúng tôi ưu tiên cát cho những hạng mục trọng yếu, cần thời gian gia tải dài. Hiện với 4 mỏ cát đang khai thác, tình hình thi công thuận lợi hơn, nhà thầu đang tổ chức bơm cát đồng loạt ở các phân đoạn và bắt đầu gia tải nền đường. Mỗi ngày, sản lượng cát về công trường khoảng 11 nghìn m3, đáp ứng đủ nhu cầu thi công”, ông Nguyễn Quang Tuân nói.
Đại diện Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An cho biết, Công ty đảm nhiệm thi công từ điểm giao với cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh đến mố B cầu Thầy Cát Mười Đổng. Với nguồn cát được cung ứng đủ nhu cầu, nhà thầu tập trung thi công những phân đoạn cần thời gian gia tải lâu. Với tiến độ hiện tại, Thiên An sẽ hoàn thành công tác gia tải toàn bộ phân đoạn đường đảm nhiệm thi công vào cuối năm nay. Từ khi có cát, Công ty nhanh chóng tăng tốc xây dựng phần đường để bù lại tiến độ bị hụt thời gian trước. Thiên An cũng đảm nhận thi công 8 cầu trên tuyến. Hiện nay, các cầu được đồng loạt lắp dầm, hoàn thiện mặt cầu và cơ bản hoàn thành hết, chỉ còn vị trí đầu tuyến (nút giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh) gồm 2 cầu nhánh và 1 cầu vượt đang thi công phần dầm. “Thời tiết mưa nhiều và mùa nước nổi ảnh hưởng tới thi công, nhưng chúng tôi vẫn huy động tối đa nguồn lực, duy trì nhịp độ thi công cao với mục tiêu hoàn thành Dự án theo tiến độ đã định”, đại diện Công ty Thiên An khẳng định.
Ông Lê Nguyễn Phú Trường cho biết, DATP 1 đang đáp ứng tiến độ theo kế hoạch ở phần cầu và dầm sàn liên tục và dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Phần đường có chậm so với kế hoạch do thủ tục khai thác cát mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, khó khăn về cát cơ bản được tháo gỡ, DATP 1 được đẩy nhanh tiến độ.
DATP 2 (dài 11,4km) nằm trên địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp với mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng do UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản, được động thổ xây dựng vào ngày 12/8/2024.