Cẩn trọng với “bẫy” đổi thiết bị sau trúng thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nguyên Giám đốc Sở Y tế Long An Lê Thanh Liêm vừa bị kết án 3 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Những sai phạm này liên quan đến quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu do ông Liêm là đại diện chủ đầu tư. Đây có thể coi là bài học đắt giá và cảnh tỉnh các chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà thầu cũng như quản lý hợp đồng sau đấu thầu.
Việc “tráo thiết bị”, “phù phép hàng hóa” từ chất lượng cao trong hồ sơ dự thầu thành chất lượng thấp trong thực tế bàn giao không hề hiếm. Ảnh minh họa: Hồng Anh
Việc “tráo thiết bị”, “phù phép hàng hóa” từ chất lượng cao trong hồ sơ dự thầu thành chất lượng thấp trong thực tế bàn giao không hề hiếm. Ảnh minh họa: Hồng Anh

Cho phép nhà thầu thay đổi thiết bị

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An, năm 2014, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đông Nam Á được công bố trúng Gói thầu Cung cấp và lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh cho tòa nhà mới xây dựng thuộc Sở Y tế Long An. Hợp đồng trọn gói trị giá 1,92 tỷ đồng, do Sở Y tế Long An làm Chủ đầu tư.

Năm 2016, UBND tỉnh Long An tiến hành thanh tra gói thầu này và kết luận Sở Y tế Long An có các sai sót trong quá trình thực hiện. Cụ thể, các thiết bị được Nhà thầu nhập về bị thay đổi xuất xứ hàng hóa và mẫu mã so với hợp đồng đã ký kết. Ông Liêm dù biết rõ điều đó nhưng không chỉ đạo khảo sát lại giá, đồng thời không phê duyệt lại dự toán để điều chỉnh hợp đồng đã ký kết, gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 870 triệu đồng...

Ngày 22/12/2016, UBND tỉnh Long An chuyển kết luận thanh tra sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An. Ngày 11/12/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Liêm.

Được biết, trong quá trình triển khai Gói thầu, Chủ đầu tư phát hiện một số thiết bị sai về xuất xứ so với hợp đồng và cho dừng thi công, yêu cầu Nhà thầu giải thích. Nhà thầu cho biết, thiết bị Sony có chủng loại, model, cấu hình như yêu cầu trong hợp đồng không còn sản xuất tại Nhật mà đã chuyển sang sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan và Malaysia. Hãng Sony cam kết dù khác xuất xứ nhưng chất lượng như nhau, và Nhà thầu cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng, bảo hành.

Theo cơ quan điều tra, dù biết rõ các thiết bị được lắp đặt đã bị thay đổi về xuất xứ hàng hóa và model so với hợp đồng, nhưng ông Liêm không chỉ đạo điều chỉnh đơn giá khi ký phụ lục hợp đồng, vẫn thanh toán 100% như hợp đồng ban đầu.

Kẽ hở gây thất thoát

Nhiều chuyên gia đấu thầu khẳng định, vụ việc tại Sở Y tế Long An rất đáng lưu ý để các chủ đầu tư/bên mời thầu rút ra bài học sâu sắc khi tổ chức lựa chọn nhà thầu. Bởi việc quản lý hợp đồng sau đấu thầu là vấn đề rất rộng, phức tạp và không phải chủ đầu tư/bên mời thầu nào cũng tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật. Đây chính là kẽ hở gây thiệt hại, thất thoát ngân sách nhà nước.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu từ phản ánh, đơn kiến nghị của các nhà thầu trong thời gian qua, hiện tượng “treo đầu dê bán thịt chó”, “tráo thiết bị”, “phù phép hàng hóa” từ chất lượng cao trong hồ sơ dự thầu (HSDT) thành chất lượng thấp trong thực tế bàn giao không phải là hiếm.

Đặc biệt, một số chủ đầu tư/bên mời thầu hợp thức hóa “gian lận” của nhà thầu bằng những báo cáo thiếu cơ sở, đậm tính đối phó với các cơ quan chức năng. Có những gói thầu mua sắm thiết bị trị giá hàng chục tỷ đồng, ngay sau khi công bố kết quả lựa chọn nhà thầu đã phát sinh tình huống “bất khả kháng” như trường hợp xảy ra tại Sở Y tế Long An. Nếu chỉ dựa vào thông tin một chiều từ phía nhà thầu về việc “đứt hàng”, “hết model”, “ngừng sản xuất”… để quy vào trường hợp bất khả kháng là rất nguy hiểm. Bởi để dự thầu, nhà thầu đã có sự hợp tác chặt chẽ, lâu dài với hãng sản xuất, không thể cho rằng… bị động sau khi trúng thầu.

Không loại trừ trong trường hợp này, Nhà thầu đã bằng mọi giá để trúng thầu dù không thể cung ứng đúng sản phẩm trong HSDT. Sau khi loại các nhà thầu khác, để xử lý sự đã rồi, Chủ đầu tư bắt buộc “vẽ” ra tình huống “bất khả kháng” để Nhà thầu cung ứng bằng sản phẩm khác với HSDT.

“Câu chuyện thay thế sản phẩm thiết bị tại Sở Y tế Long An cần được coi là lời cảnh tỉnh các chủ đầu tư/bên mời thầu phải cẩn trọng hơn trong quá trình tổ chức đấu thầu, quản lý hợp đồng sau đấu thầu, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. mục tiêu hiệu quả, minh bạch, công bằng, cạnh tranh của công tác đấu thầu”, một chuyên gia đấu thầu khẳng định.

Chuyên đề