Tại Tọa đàm, ông Phan Quốc Huỳnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư chứng khoán Việt Nam (VASB) cho biết, số lượng doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán từ đầu năm đến nay rất hạn chế - dưới 10 doanh nghiệp - xuất phát cả từ nguyên nhân chủ quan và khách quan như ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, suy thoái kinh tế, hay cả những sai phạm trên thị trường trong thời gian qua. Bên cạnh đó, các quy định niêm yết ngày càng chặt chẽ hơn, đòi hỏi chất lượng doanh nghiệp phải tốt.
Trong khi đó, việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn diễn ra chậm chạp, trong khi đây là lực lượng doanh nghiệp lớn cả về số lượng và quy mô.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 5 tháng đầu năm nay chưa ghi nhận doanh nghiệp nào được cổ phần hóa thành công. Còn năm 2022, cả nước chỉ ghi nhận bổ sung 1 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng. Về thoái vốn, lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại 5 doanh nghiệp với tổng giá trị thu về 179,2 tỷ đồng. Con số này trong năm 2022 là 31 doanh nghiệp với số tiền thu về 3.900,6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trung Đức, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ chia sẻ, Hiệp hội có hơn 65.000 thành viên, tuy nhiên tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết và tiệm cận niêm yết chỉ khoảng hơn 1% tổng số doanh nghiệp. Một hạn chế khác là với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, để thoả mãn các điều kiện niêm yết cũng còn nhiều khó khăn.
Về giải pháp, theo ông Đức, các doanh nghiệp muốn lên sàn trước mắt cần tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, củng cố nội lực và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, hàng hoá; từ đó gia tăng được sức mạnh, nguồn lực, thoả mãn tốt các tiêu chuẩn để có thể niêm yết. Thời gian tới, Hiệp hội cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên để tăng số doanh nghiệp niêm yết, bởi thị trường chứng khoán là kênh thu xếp vốn dài hạn rất tốt cho doanh nghiệp. Đặc biệt, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, niêm yết thành công còn giúp nâng cao uy tín, thương hiệu.
Theo ông Bùi Đình Như - Chủ tịch Công ty CP Đầu tư và Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam (VNIR), một thực tế là không ít doanh nghiệp còn chưa nhận thức được các tiêu chí, lộ trình của hoạt động niêm yết. Do đó, để thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn, việc phổ biến các kiến thức này cho doanh nghiệp là cần thiết. Cùng với đó là việc giúp doanh nghiệp nhận nhận thức được lợi ích, thách thức của việc lên sàn, từ đó kích thích nhu cầu niêm yết của doanh nghiệp.