Cần sớm có cơ chế thử nghiệm chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Hội thảo Nghiên cứu về kinh nghiệm xây dựng và thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách ở một số lĩnh vực và khả năng áp dụng ở Việt Nam tổ chức ngày 28/10, tại Hà Nội, Lãnh đạo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đề xuất cần sớm có những cơ chế, kể cả ở khung khổ thử nghiệm thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Hội thảo Nghiên cứu về kinh nghiệm xây dựng và thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách ở một số lĩnh vực và khả năng áp dụng ở Việt Nam
Hội thảo Nghiên cứu về kinh nghiệm xây dựng và thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách ở một số lĩnh vực và khả năng áp dụng ở Việt Nam

Hội thảo nhằm công bố Báo cáo Nghiên cứu về kinh nghiệm xây dựng và thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách ở một số lĩnh vực và khả năng áp dụng ở Việt Nam do CIEM phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) phối hợp thực hiện.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, trong quá trình ứng phó với dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế, Việt Nam vẫn nhấn mạnh yêu cầu cải cách thể chế, mở rộng không gian cho các mô hình kinh tế mới, chứ không chỉ tập trung vào các giải pháp tài khóa - tiền tệ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra những chủ trương, định hướng chính sách và các nhóm giải pháp cụ thể để thúc đẩy các mô hình kinh tế gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,…

“Dù vậy, đây mới chỉ là điều kiện cần. Một điều kiện quan trọng là phải sớm hiện thực hóa cơ hội và lợi ích từ những mô hình này, để từ đó tạo sức lan tỏa, niềm tin giữa cộng đồng doanh nghiệp và người dân”, bà Minh nhấn mạnh.

Về vấn đề này, kết quả nghiên cứu của CIEM chỉ ra, hiện Việt Nam vẫn chưa đưa ra được khung pháp lý phù hợp dù chỉ ở quy mô thử nghiệm cho hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng mặc dù rất nhiều ứng dụng Fintech đã được áp dụng rộng rãi trong đời sống. Thiếu nền tảng pháp lý có thể khiến các hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng gặp nhiều rủi ro và/hoặc trở nên thiếu hiệu quả.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, không ít quốc gia đã và đang áp dụng các cơ chế thử nghiệm, trước khi tiến tới cho phép các mô hình, hoạt động kinh tế mới được triển khai trên diện rộng. Mục đích của cơ chế thử nghiệm là tạo ra môi trường thử nghiệm có kiểm soát trong một phạm vi nhất định, qua đó tạo ra không gian pháp lý áp dụng cho các sản phẩm đổi mới sáng tạo. Thông qua cơ chế thử nghiệm, Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi khác có thể tìm ra điểm cân bằng giữa việc xây dựng các quy định quản lý chặt chẽ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đây có thể là một cách tiếp cận mới, hiện đại, trong khi vẫn đạt được mục tiêu và yêu cầu quản lý, thay vì chờ đợi đến khi các nước khác đã thực hiện xong rồi mới rút kinh nghiệm và tiếp thu.

Chuyên đề