Dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 là 1.784,6 nghìn tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển là 526,1 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Hải |
Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, thu NSNN năm 2021 ước đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, bằng 116,4% (vượt 219,9 nghìn tỷ đồng) dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Trong đó, chủ yếu tăng thu từ dầu thô, hoạt động xuất nhập khẩu và thu tiền sử dụng đất; thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt 14,5% dự toán, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2020; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 18,6% GDP (vượt mục tiêu 15,5% GDP). Thu ngân sách trung ương ước đạt 106,7% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt 128,2% dự toán.
Chi NSNN năm 2021 ước đạt 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán. Ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, NSNN đã chi 74 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19; xuất cấp 141,97 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở 33 địa phương. Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm hơn năm trước, ước đến hết 31/12/2021 đạt 74,7% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng giao (năm 2020 đạt 82,66%).
Năm 2022, dự toán thu NSNN là 1.411,7 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,1% GDP; từ thuế, phí khoảng 12,7% GDP. Dự toán chi NSNN năm 2022 là 1.784,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán năm 2021. Trong đó, dự toán chi đầu tư phát triển là 526,1 nghìn tỷ đồng, chi thường xuyên là 1.112,2 nghìn tỷ đồng, chi trả nợ lãi 103,7 nghìn tỷ đồng, các khoản chi còn lại khác là 42,6 nghìn tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thu NSNN tăng so với năm 2020 nhưng chưa cao, nhiều khoản thu chưa bền vững như thu từ chứng khoán, bất động sản, dầu thô tăng mạnh. “Việc xây dựng dự toán đã sát tình hình chưa là vấn đề phải suy nghĩ. Trong thời gian tới, cơ hội và thách thức đan xen nhưng thách thức nhiều hơn, ngành tài chính phải chuẩn bị tâm thế ứng phó với nhiều khó khăn, trở ngại. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, tình trạng nợ thuế, trốn thuế có xu hướng tăng. Do đó, cần có giải pháp hạn chế rủi ro, đa dạng hóa nguồn thu. Cần có chính sách khuyến khích các địa phương tăng thu NSNN, đồng thời, xây dựng cơ chế phân bổ nguồn lực tài chính cho các địa phương một cách công bằng, minh bạch”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, chính sách này phải nâng đỡ, thúc đẩy chính sách kia, hết sức tránh lợi ích cục bộ, chính sách này mâu thuẫn, cản trở chính sách kia.
Cùng với đó, phải tìm biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi. Trong lúc này phải “thắt lưng buộc bụng”, rà soát kỹ, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, kiểm soát bội chi, quản lý nợ công theo hướng có thể tăng bội chi để phục hồi và phát triển kinh tế, nhưng bảo đảm cân đối phù hợp tình hình, không “vung tay quá trán”, cũng không quá thận trọng. “Làm sao dòng vốn tín dụng, dòng tiền ngân sách phải đi vào đúng chỗ, kích thích, tạo động lực mới cho nền kinh tế. Muốn đạt được điều này, phải làm trên cơ sở khoa học, dữ liệu thống kê thật tốt”, Thủ tướng nêu rõ.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, kinh tế tăng trưởng 2,58% nhưng thu NSNN vượt 16,4% so với dự toán và tăng 3,7% so với năm 2020. Trong đó, thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt 14,5% dự toán, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2020. Điều đó thể hiện sức sống mạnh mẽ của nền kinh tế.
Sang năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tập trung hoàn thành nhiệm vụ thu - chi NSNN và các nhiệm vụ được giao. Trong đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp thu NSNN, đẩy mạnh chống thất thu thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại, thúc đẩy kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh tăng thu từ chuyển nhượng bất động sản, thu trên nền tảng số và thương mại điện tử..., góp phần tăng thu NSNN.