Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN |
Đoàn giám sát do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng đoàn. Các thành viên gồm đại diện các cơ quan Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Dân chủ – Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Đại diện Thanh tra Chính phủ có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu; các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; đại diện các vụ chức năng cơ quan Thanh tra Chính phủ.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ do ông Đặng Công Huẩn, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày cho thấy, trong năm 2016 và quý I/2017, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 60 cuộc thanh tra, tập trung vào công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành; công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng của địa phương; việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý và sử dụng vốn, tài sản của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và thanh tra trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.
Kết quả, 24 cuộc thanh tra đã được ban hành kết luận, phát hiện vi phạm số tiền 11.095 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 5.001 tỷ đồng; kiến nghị, xử lý khác 6.094 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý 5 vụ, 40 đối tượng. Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến nội dung thanh tra. Về thực hiện các hình thức công khai kết luận thanh tra, tính đến 20/3/2017, Thanh tra Chính phủ ban hành 24 kết luận thanh tra, kiểm tra, công bố tại cuộc họp với thành phần bao gồm người ra quyết định thanh tra, đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc tổ chức họp báo; đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ 19/24 Thông báo kết luận thanh tra.
Phía Thanh tra Chính phủ cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công khai kết luận thanh tra thời gian qua. Theo đó Luật Thanh tra và Nghị định 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 quy định, văn bản kết luận thanh tra phải được công khai, trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước. Tuy nhiên, qua thực tiễn và qua theo dõi thi hành pháp luật về thanh tra cho thấy, việc thực hiện các quy định này còn chưa được thực hiện nghiêm và còn nhiều bất cập. Nhiều kết luận thanh tra của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, đặc biệt là các bộ, ngành, địa phương chưa được công khai theo đúng nội dung và hình thức quy định của Luật Thanh tra và Nghị định số 86/2011/NĐ-CP.
Nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương thường dựa vào căn cứ do kết luận thanh tra chứa nội dung mật để không thực hiện công khai kết luận thanh tra, đặc biệt là việc thực hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; do vậy chưa đảm bảo yêu cầu về công khai theo quy định của pháp luật thanh tra và yêu cầu của Luật Phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, việc thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra và việc xử lý các trường hợp vi phạm quy định trong thực hiện công khai kết luận thanh tra chưa được thực hiện triệt để, chưa có chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm.
Tại buổi giám sát, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu kiến nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tăng cường giám sát việc hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đặc biệt là việc công khai, thực hiện kết luận thanh tra. Các cơ quan giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tại các địa phương tăng cường giám sát việc thực hiện tại địa phương.
Phát biểu kết luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: việc quán triệt thực hiện Luật Thanh tra năm 2010, xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện và việc thực hiện công khai kết luận thanh tra nhìn chung được Thanh tra Chính phủ thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật. Thanh tra là công cụ quản lý Nhà nước quan trọng để các cơ quan tự khắc phục hạn chế của mình đã được xác định qua thanh tra, đồng thời tạo điều kiện cho MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên, nhân dân, cơ quan báo chí tham gia thúc đẩy việc thực hiện các kết luận của thanh tra.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hiện nay chưa có chế tài đối với việc cơ quan thanh tra hoàn thành quá trình thanh tra và có kết luận nhưng không thực hiện công bố kết luận thanh tra. Bên cạnh đó, Luật quy định công bố kết luận thanh tra cùng với thành phần của đoàn thanh tra tại cơ quan tiến hành thanh tra với ba phương thức lựa chọn: qua báo chí, bảng điện tử và thông báo tại nơi làm việc, mới chỉ được áp dụng qua hai phương thức sau, phương thức công bố báo chí hầu như chưa được áp dụng.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Thanh Tra Chính phủ thời gian tới phối hợp hoàn thiện việc thực hiện công khai kết luận thanh tra, tổng kết đánh giá tỷ lệ công khai kết luận thanh tra, các hình thức công khai kết quả thanh tra. Đồng thời, sắp tới khi tổng kết Luật Thanh tra 2010, Thanh tra Chính phủ phải quan tâm việc khi sửa đổi Luật Thanh tra cần đồng bộ với 3 Luật khác là Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tổ chức Chính phủ.