Cấm xe máy tại Hà Nội: Lộ trình 13 năm nữa có khả thi?

Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội đề xuất cấm xe máy trong nội đô dù gây tranh cãi nhiều lần...
Hà Nội lên kế hoạch cấm xe máy vào năm 2030.
Hà Nội lên kế hoạch cấm xe máy vào năm 2030.

UBND Thành phố Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến liên quan đến dự thảo nghị quyết của HĐND Thành phố về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030.

Theo nội dung nghị quyết này, thành phố Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030. Xe máy điện, xe đạp điện cũng sẽ bị hạn chế như xe máy.

Kế hoạch cấm xe máy được đưa ra nhiều lần bởi theo Hà Nội, xe máy là một trong những "tội đồ" chính gây ra ùn tắc, ô nhiễm môi trường. Cấm xe máy để giảm ùn tắc cũng là một trong những cách mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng.

Tuy nhiên, sau mỗi lần đề xuất cấm xe máy lại có nhiều ý kiến phản bác, ủng hộ tạo nên những làn sóng dư luận trái chiều. Quan trọng nhất trước khi bàn đến việc cấm xe máy là phải trả lời được câu hỏi: “Cấm xe máy thì người dân đi lại bằng phương tiện gì?”.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam đánh gía, lộ trình cấm xe máy 13 năm của Hà Nội là hoàn toàn đúng đắn. Đó là thời gian cần thiết để phát triển đồng bộ các loại hình giao thông công cộng, giảm dần các phương tiện cá nhân (cả xe máy và ôtô) theo các tuyến đường, khu vực, tiến tới loại bỏ hoàn toàn xe máy trong nội đô vào năm 2030, giải quyết tốt các vấn đề phát sinh, chuyển đổi nghề nghiệp những người sử dụng xe máy làm phương tiện mưu sinh, thu mua xe máy cũ….

Theo Tiến sĩ Lương Hoài Nam, chỉ có xe buýt với hàng trăm tuyến, hàng nghìn bến (gần 5.000 bến như ở Singapore, trên dưới 10.000 bến như ở Matxcơva) và hàng chục ga buýt, trạm trung chuyển buýt mới thay thế được xe cá nhân. 

Hà Nội cũng vậy, phải lấy xe buýt làm phương tiện giao thông công cộng chủ lực, ngoài ra phát triển chọn lọc một số tuyến tàu điện thường (tram) với toa xe hiện đại, xe buýt mini và xe điện chạy theo tuyến nhưng không cần bến, xe tuk tuk, taxi truyền thống và “taxi công nghệ” (Uber, Grab), xe buýt trường học, xe đưa đón công nhân, nhân viên của các doanh nghiệp thay thế các phương tiện cá nhân. 

“Không có thành phố nào trên thế giới cấm xe máy hoặc có ít xe máy mà tê liệt hệ thống giao thông và cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Xe máy sinh ra không phải để chở người và chở hàng”, Tiến sĩ Lương Hoài Nam khẳng định.

Do đó, khi Hà Nội cấm xe máy theo lộ trình, Tiến sĩ đề xuất việc cung ứng hàng hóa sẽ được thay thế bằng các loại xe tải lớn và nhỏ. Những người hiện nay đang sử dụng xe máy làm phương tiện mưu sinh sẽ được chuyển nghề hoặc chuyển đổi phương tiện kinh doanh. Hàng hóa từ ngoại thành cung cấp vào thành phố sẽ thực hiện thông qua các chợ ngoại ô, người bán ngoại tỉnh mang hàng đến đó bán và hàng hóa sẽ được vận chuyển vào các đầu mối phân phối trong thành phố bằng các loại xe tải…

Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, bên cạnh cấm xe máy, phát triển đồng bộ giao thông công cộng, Hà Nội cần khuyến khích phát triển cả xe đạp cá nhân và xe đạp công cộng. Khi nhiều người dân đi xe đạp ra bến xe, bến tàu rồi gửi xe đạp lại và lên xe buýt, tàu điện đi tiếp thì đó là một nét đẹp, nét văn minh không phải chỉ theo chuẩn mực của ta, mà đã như ở châu Âu, ở Mỹ.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ lại cho rằng cấm xe máy là chủ trương thiếu thực tế, xa vời, mang tính chất cưỡng bức. 

Hiện, xe máy vẫn là phương tiện đi lại thuận lợi hiện nay 70% là xe máy cá nhân, phù hợp với túi tiền người dân và nhất là trong điều kiện hạ tầng, phương tiện giao thông công cộng yếu kém. Giao thông công cộng của Hà Nội hiện chỉ đảm nhận được 8 - 10% nhu cầu đi lại, với tốc độ hiện nay, 13 năm nữa cũng chỉ tăng lên 20 - 22%. Khi cấm xe máy phải đặt câu hỏi 70 - 80% người dân đi lại bằng gì.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng không nên chỉ đổ lỗi ùn tắc cho xe máy vì ôtô mới là phương tiện chiếm nhiều diện tích mặt đường và gây ô nhiễm. Hà Nội cần xem lại bài học của Trung Quốc và Myanmar khi các quốc gia này cấm xe máy, hệ quả là người dân đua nhau mua ô tô ô nhiễm, ùn tắc càng tăng lên. 

“Chưa nên cấm xe máy và cấm xe máy là chủ trương không phù hợp trong điều kiện hiện nay. Nếu làm quyết liệt, mạnh mẽ, trách nhiệm và mạnh dạn đầu tư hơn thì phải đến 2050 mới đạt được 30-40% giao thông công cộng…”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thuỷ khẳng định.

Hà Nội có khoảng 16.000 - 22.000 xe máy và 6.000 - 8.000 ôtô đăng ký mới mỗi năm. Dự kiến đến năm 2020, thành phố sẽ có gần 1 triệu ôtô lưu hành và khoảng 7 triệu xe máy, chưa kể xe của khối lực lượng vũ trang và các tỉnh thành khác lưu thông vào Hà Nội. 

Đã có hàng loạt giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông đã được thành phố đề xuất, áp dụng nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn

Chuyên đề