Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Xử lý cả hành vi nhận
Đề cập đến việc sử dụng ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân biếu tặng không đúng mục đích, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Thời gian qua, một số trường hợp gây bức xúc dư luận là việc nhận ô tô đắt tiền cho lãnh đạo cơ quan sử dụng. Vì vậy, cơ quan soạn thảo thống nhất cao với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy định cấm sử dụng ô tô, các tài sản khác do tổ chức, cá nhân biếu tặng không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và sử dụng cho cá nhân”.
Góp ý thêm vào Dự thảo Luật, Đại biểu Ngọ Duy Hiểu – đoàn TP. Hà Nội đề nghị không chỉ xử lý hành vi sử dụng ô tô, tài sản do biếu, tặng như quy định tại Dự Luật mà cần phải xử lý cả hành vi nhận. “Trên thực tế, hành vi nhận mới là hành vi tiền đề của sử dụng. Ví dụ, Chủ tịch một tỉnh quyết định nhận tài sản nhưng sau đó về giao cho một đồng chí Ủy viên Thường vụ khối Đảng cấp tỉnh sử dụng. Trong trường hợp đấy là xử lý người sử dụng mà không xử lý người nhận, cho nên tôi đề nghị xử lý cả người nhận”, đại biểu Hiểu kiến nghị.
Đồng thời, đại biểu Hiểu cho rằng, nên bỏ từ "biếu" ở đây, chỉ dùng chung là "cho, tặng" vì từ "cho, tặng" mới phù hợp với Bộ luật Dân sự, từ "biếu" mang ý nghĩa đạo đức và ứng xử nhiều hơn.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – đoàn TP. Hà Nội bổ sung, Điều 11, các hành vi bị cấm, Khoản 4 về sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân biếu, tặng, cho không đúng tiêu chuẩn, định mức chế độ cần phải hiểu có thể có cả tiền. “Rất nhiều đơn vị khi có người biếu, tặng thì gợi ý luôn ô tô có rồi nhờ chú chuyển qua cho tiền luôn, đó là sự thật”, đại biểu Trí dẫn chứng.
Đại biểu Trí cũng cho rằng, cần bổ sung thêm cả thời điểm cho, tặng, vì có những trường hợp tặng, cho đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, đúng định mức, đúng chế độ nhưng vào thời điểm nhạy cảm, ví dụ đang xét thầu hoặc họ đang đi xin dự án nào đó, thì lại không bình thường, bởi “của biếu là của lo mà của cho là của nợ”.
Nên chăng thiết lập cơ chế tiếp nhận tài sản?
Ở một góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Tạo – đoàn Lâm Đồng cho rằng, trong điều kiện đất nước ta còn khó khăn, việc các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biếu, tặng xe ô tô và các loại tài sản khác cho các cơ quan, tổ chức trong nước là một việc làm cần được ghi nhận, nhất là các loại xe chuyên dụng phục vụ công cộng, như xe cứu thương, xe chuyên dụng phòng, chống bão lụt v.v... và tài sản đó đã được xác lập quyền sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện quyền chủ sở hữu đã được pháp luật công nhận. Vấn đề đặt ra ở đây là động cơ, mục đích tặng, cho có trong sáng hay không.
“Vì vậy, theo tôi, cách thức xác lập, chuyển giao quyền sở hữu và xác định rõ cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận là ai, đồng thời việc quản lý, sắp xếp, phân bổ lại để sử dụng như thế nào cho đúng và hợp lý mới là nội dung cốt lõi của vấn đề này… Không cần thiết phải bổ sung hành vi nghiêm cấm này mà chúng ta nên thiết lập một cơ chế tiếp nhận tài sản cho tập trung tại một đầu mối do một cơ quan quản lý thống nhất trong toàn quốc, sau đó có sự sắp xếp, phân bố, sử dụng tài sản đó một cách bảo đảm đúng tiêu chuẩn định mức, chế độ nhằm phát huy hiệu quả cao nhất”, đại biểu Tạo bày tỏ quan điểm.