Cách nào giảm thiểu rủi ro trong xuất nhập khẩu hàng hóa?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở cao với việc tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Các FTA đang mở rộng cánh cửa thị trường cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam, tuy nhiên, khi “sân chơi” ngày một lớn hơn thì DN xuất nhập khẩu cũng phải đối mặt với muôn hình vạn trạng những rủi ro. Điều quan trọng là DN cần trang bị cho mình “hành trang” tốt nhất để vững bước vươn ra biển lớn.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu điều đang đối mặt rủi ro trong phương thức thanh toán (ảnh: internet)
Một số doanh nghiệp xuất khẩu điều đang đối mặt rủi ro trong phương thức thanh toán (ảnh: internet)

Rủi ro nhìn từ nghi án “lừa đảo” lớn nhất lịch sử ngành điều

Đến thời điểm này, vụ việc 100 container nhân điều xuất khẩu sang Italia có dấu hiệu bị lừa đảo thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong những ngày qua. Các DN đã thực hiện hợp đồng với phương thức thanh toán nhờ thu hay còn gọi là “trả tiền nhận chứng từ D/P”. Rủi ro đã xảy ra khi các DN đang mất quyền kiểm soát bộ chứng từ gốc.

Để gỡ tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, Hiệp hội Điều Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Chính phủ về giải pháp cứu các container này. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo khẩn các cơ quan chức năng vào cuộc.

Nhìn từ vụ việc này, với kinh nghiệm một DN chuyên xuất khẩu lớn, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, đây là vụ việc lừa đảo nằm ngoài tầm kiểm soát của các DN xuất khẩu. Bởi xét trong nghi án này, hầu hết các DN xuất khẩu đã áp dụng phương thức thanh toán theo đúng thông lệ quốc tế.

Đề cập về phương thức thanh toán D/P, theo ông Bình, đây là 1 trong 3 phương thức thanh toán quốc tế là: Điện chuyển tiền (T/T); Trả tiền nhận chứng từ (D/P); Thư tín dụng (L/C). Bản chất của các phương thức thanh toán trên đều là nhờ thu qua ngân hàng, nghĩa là đơn vị nhập khẩu phải trả tiền mới lấy được chứng từ. Tuy nhiên, khi xảy ra việc mất giấy tờ gốc, phương thức thanh toán D/P được đánh giá là thiệt hại cho người bán hơn, vì người mua thường không phải đặt cọc.

Bên cạnh rủi ro về thanh toán, còn có các rủi ro khác như về chính trị, pháp lý, chất lượng, vận chuyển... Theo một số DN xuất khẩu, các công ty có thể phải đối mặt với các vấn đề pháp lý liên quan đến một số lĩnh vực kinh doanh, bao gồm hải quan, hợp đồng, tiền tệ, trách nhiệm pháp lý và quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm họ bán. Chưa kể, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ucraina vẫn chưa có hồi kết khiến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của một số DN Việt Nam sang những thị trường này gặp những rủi ro nhất định. Hiện nay đã có một số DN bị ảnh hưởng trực tiếp vì các đơn hàng xuất và nhập khẩu từ hai nước này bị đình trệ...

Phương thức thanh toán L/C được khuyến nghị sử dụng để giảm thiểu rủi ro trong khâu thanh toán

Phương thức thanh toán L/C được khuyến nghị sử dụng để giảm thiểu rủi ro trong khâu thanh toán

Cần làm gì để tránh rủi ro ra “biển lớn”?

Cho rằng rủi ro trong kinh doanh là điều khó tránh, nhưng theo nhiều chuyên gia thương mại, các DN xuất khẩu cần cẩn trọng nhất có thể để giảm thiểu tối đa những rủi ro trên thương trường.

Về việc lựa chọn phương thức thanh toán, ông Bình cho rằng, 3 hình thức thành toán trên đều có rủi ro nhưng mức độ khác nhau. Việc lựa chọn phương thức thanh toán nào để giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh là quyền của DN. Nếu được, tốt nhất nên chọn phương thức thanh toán L/C vì ít rủi ro hơn so với 2 phương thức còn lại.

Ông Bình cũng cho rằng, rủi ro sẽ vẫn còn nếu DN không thay đổi thói quen trong kinh doanh khi còn nhiều DN xuất khẩu quá nôn nóng bán hàng nên dễ dãi trong khâu thanh toán. Đây là kẽ hở để những kẻ lừa đảo lợi dụng.

Chia sẻ câu chuyện “thoát lừa trong gang tấc” của chính DN mình, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group nhìn nhận, nguy cơ một số hội viên của Hiệp hội Điều Việt Nam có thể bị lừa mất trắng nhiều container xuất khẩu là hồi chuông cảnh báo cạm bẫy với nhiều DN “làm ăn trên biển lớn”.

Theo ông Thông, một nguyên tắc quan trọng trong kinh doanh là không được phép thông báo số vận đơn bộ chứng từ cho đối tác, chỉ đến khi ngân hàng nhận xác nhận thì mới thông báo.

Để giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh, ông Thông đưa ra 5 khuyến nghị với DN xuất khẩu. Trước tiên là DN cần kiểm tra kỹ người mua hàng. “DN có thể kiểm tra bằng nhiều cách, trong đó có cách đi thực địa trực tiếp người mua hàng để hiểu rõ hơn về người mua hàng của mình”, ông Thông gợi ý.

Hai là kiểm tra ngân hàng người mua. Nếu ngân hàng đó có chi nhánh ở địa điểm người mua thì khả năng bị lừa đảo là rất thấp. Ba là nhân viên tuyệt đối không được cho số vận đơn bộ chứng từ cho đối tác. Bốn là kiểm tra địa điểm trên Google maps về người mua. Nếu người mua minh bạch thì thông tin rất công khai. Cùng với đó, DN tránh vội vàng, cẩu thả, tránh sai lỗi cơ bản trong hoạt động thanh toán.

“Nếu DN xuất khẩu kiểm tra kỹ 5 nội dung trên sẽ giảm thiểu tối đa được những rủi ro”, ông Thông khẳng định.

Dưới góc độ là cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh việc xác thực người mua, DN Việt cũng cần trang bị cho mình những kiến thức về xuất nhập khẩu, đào tạo được đội ngũ cán bộ ngoại thương nhiều kinh nghiệm. DN xuất khẩu phải kiểm tra người mua kỹ hơn, qua nhiều kênh thông tin khác nhau.

Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ucraina vẫn phức tạp, các chuyên gia cho rằng hiệp hội, DN cần nhanh chóng ứng phó, chủ động đánh giá tình hình thực tế để có chiến lược giao thương phù hợp với diễn biến mới. Cùng với đó, DN tích cực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tập trung vào một thị trường...

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế, đây là dịp để chúng ta tận dụng các FTA để mở rộng thị trường, đồng thời nâng cao tính tuân thủ luật pháp quốc tế, chất lượng hàng hóa, những quy định về môi trường, chế biến thực phẩm… từ đó đi được vào nhiều thị trường hơn.

Chuyên đề