Cách nào bình ổn giá thức ăn chăn nuôi và phân bón?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thức ăn chăn nuôi và phân bón tăng giá mạnh đang gây khó khăn lớn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, việc cắt giảm chi phí lưu thông hàng hóa là giải pháp thiết thực nhất hiện nay, bên cạnh đó, cần nhanh chóng điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất các mặt hàng này và tăng thuế xuất khẩu trong phạm vi cho phép để góp phần bình ổn thị trường.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến nhiều người chăn nuôi điêu đứng. Ảnh: Internet
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến nhiều người chăn nuôi điêu đứng. Ảnh: Internet

Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng 30 - 35% đã quá sức chịu đựng của người chăn nuôi. Liên quan nội dung này, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết, dịch Covid-19 đã gây khó khăn trong vận chuyển khiến nhiều doanh nghiệp không thể mua được nguyên liệu sản xuất và phải sử dụng nguyên liệu mua giá cao từ nhiều tháng trước.

Trước biến động này, tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu của mặt hàng lúa mỳ, mã HS 1001.99.99 từ 3% xuống 0%, giảm thuế nhập khẩu của mặt hàng ngô, mã HS 1005.90.90 từ 5% xuống 3%.

Theo cơ quan này, việc giảm thuế nhằm góp phần giảm giá thành đầu vào sản xuất trong nước không chỉ đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, mà còn các ngành sản xuất khác. Việc giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ngô nhìn chung sẽ không tác động lớn đến ngành nông nghiệp trong nước do trong nước chưa trồng được lúa mỳ và mặt hàng ngô trồng trong nước cơ bản cũng chỉ phục vụ cho người.

Với mặt hàng phân bón, tại Hội nghị trực tuyến về đề xuất giải pháp bình ổn thị trường phân bón ngày 11/8/2021, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Thanh cho biết, giá phân bón tăng là do giá nông sản trên thế giới liên tục tăng trong thời gian qua (điển hình là giá gạo) kết hợp với tình hình thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, kèm theo đó là nhu cầu phân bón phục hồi ở những thị trường đã kiểm soát dịch Covid-19 ở mức độ nhất định.

Cùng quan điểm, ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) cho rằng, nguyên nhân chính giá phân bón tăng là chi phí sản xuất 7 tháng đầu năm tăng rất cao như lưu huỳnh tăng 170%, amoniac tăng gấp 2 lần…, khiến giá đầu vào tăng cùng với sự gia tăng của chi phí vận chuyển và những tác động tiêu cực đến từ đại dịch Covid-19.

Về giải pháp với mặt hàng phân bón, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, việc áp dụng các quy định hành chính vào thị trường cần phải tuân thủ các cam kết quốc tế, hai ngành Công Thương và Nông nghiệp sẽ cố gắng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp góp phần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân.

Đó là, đề nghị các doanh nghiệp sản xuất tiếp tục cố gắng, bảo đảm chạy đúng công suất với mục tiêu cung cấp đầy đủ phân bón cho thị trường, đề nghị các doanh nghiệp cố gắng hợp lý hóa các chi phí, giữ ổn định giá thành, đặt mục tiêu phân bón Việt Nam phải được bán với giá thấp hơn phân bón nhập khẩu. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp dừng xuất khẩu, tập trung đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước. Bên cạnh đó, đề nghị các doanh nghiệp sản xuất phân bón chủ động làm việc với các kênh phân phối để chủ động có các giải pháp bảo đảm lưu thông, đưa phân bón đến với các khu vực cần để đảm bảo cho vụ Đông - Xuân sắp tới.

Đồng thời, đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giảm sát để ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất - kinh doanh phân bón giả, không đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân bón, trong phiên rà soát tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp nhận các ý kiến đề xuất để đưa ra quyết định đúng đắn nhất, trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật cũng như các cam kết của WTO.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, thức ăn chăn nuôi và phân bón tăng giá mạnh chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào và chi phí lưu thông hàng hóa tăng do dịch bệnh. Như vậy, các giải pháp về việc giảm chi phí đầu vào như điều chỉnh thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu trong phạm vi cho phép của các cam kết thương mại quốc tế là có thể nghiên cứu thực hiện, song quan trọng hơn hết là tìm cách cắt giảm chi phí lưu thông, phân phối hàng hóa qua việc cắt giảm triệt để hơn nữa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện kết nối cung cầu là khả thi nhất. Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ việc đầu cơ găm giá hàng hóa là điều hết sức cần thiết. “Đó là những nỗ lực cần thiết và hợp lý hợp lệ nhất từ cơ quan chức năng để kiểm soát giá cả các mặt hàng này”, ông Long nói.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề