Ảnh minh họa: Internet |
Để dễ tiếp cận, có thể chia các yêu cầu trong HSMT thành các nhóm như sau:
1. Nhóm 1 bao gồm các yêu cầu cực kỳ quan trọng mà khi tham dự thầu chỉ cần không đáp ứng dù chỉ 1 nội dung trong số các yêu cầu này thì hồ sơ dự thầu (HSDT) của nhà thầu (NT) sẽ bị loại ngay, không được đánh giá tiếp. Các yêu cầu thuộc nhóm này gọi là tính hợp lệ của HSDT (trước đây trong Luật Đấu thầu 2005 nhóm yêu cầu này được gọi là các điều kiện tiên quyết). Chẳng hạn, đó là yêu cầu về sự hợp pháp của đơn dự thầu, thỏa thuận liên danh, thời gian hiệu lực của HSDT, bảo đảm dự thầu…, cuối cùng là tư cách hợp lệ của NT (gồm đăng ký hoạt động hợp pháp, hạch toán tài chính độc lập, không đang trong quá trình giải thể… và đã đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia).
Các yêu cầu này là giống nhau cho mọi gói thầu nên khi lập HSMT chỉ cần “chụp nguyên” mẫu HSMT được ban hành kèm theo các Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, miễn là đừng bỏ sót. Các yêu cầu này phải được coi là điều kiện tối thiểu, bắt buộc theo quy định của pháp luật mà NT cần phải có khi tham dự thầu. Đây không phải là những yêu cầu nhằm tạo lợi thế hoặc hạn chế sự tham gia của các NT như các yêu cầu nêu ở dưới.
2. Nhóm 2 gồm các yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm của NT dựa trên tính chất, quy mô của một gói thầu cụ thể. Vì thế trong các mẫu HSMT chỉ đưa ra các hướng dẫn mang tính định hướng, còn khi lập HSMT, các yêu cầu này phụ thuộc vào sự hiểu biết, năng lực và phẩm chất của từng chuyên gia tham gia.
Để bảo đảm sự minh bạch trong đánh giá HSDT đối với yêu cầu thuộc nhóm 2, trong HSMT phải đưa ra tiêu chí đánh giá tương ứng mà theo quy định chỉ được sử dụng công cụ là “Đạt”/“Không đạt”. Việc đưa ra mức yêu cầu tối thiểu cho yêu cầu thuộc nhóm 2 mặc dù có hướng dẫn trong mẫu HSMT nhưng việc định lượng của yêu cầu lại chủ yếu phụ thuộc vào các cá nhân tham gia xây dựng tiêu chí đánh giá.
3. Nhóm 3 gồm các yêu cầu về kỹ thuật căn cứ vào đặc thù của gói thầu cụ thể. Trường hợp gói thầu là mua sắm hàng hóa (MSHH) thì đó là các yêu cầu về đặc tính, thông số kỹ thuật, tính năng sử dụng, công suất, hiệu suất, tiêu hao năng lượng… Còn trường hợp gói thầu là xây lắp thì đó là yêu cầu thực hiện theo đúng thiết kế đã duyệt. Để đánh giá sự đáp ứng của HSDT cho nhóm yêu cầu này, theo quy định, được sử dụng 1 trong 2 công cụ, đó là sử dụng thang điểm (100,1000) hoặc “Đạt”/“Không đạt”. Việc áp dụng công cụ nào lại tùy thuộc vào chuyên gia xây dựng tiêu chí đánh giá trong HSMT.
4. Nhóm 4 bao gồm các yêu cầu về tài chính để xếp hạng các HSDT sau khi vượt qua đánh giá về kỹ thuật (căn cứ tiêu chí đánh giá cho nhóm 3). Theo quy định, chuyên gia lập HSMT được lựa chọn 1 trong 3 phương pháp tùy thuộc quy mô của gói thầu (quy mô nhỏ hay lớn); tùy thuộc gói thầu có thuộc công nghệ thông tin, viễn thông hay không… Các phương pháp gồm: phương pháp giá thấp nhất, phương pháp giá đánh giá và phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá. Tất nhiên mỗi phương pháp đều có điều kiện áp dụng tương ứng để chuyên gia có cơ sở cân nhắc, lựa chọn đề xuất.
5. Ngoài các yêu cầu thuộc 4 nhóm quan trọng nêu trên, trong HSMT còn có nhiều yêu cầu khác như nêu trong các mẫu HSMT nhằm tạo thuận lợi cho việc đánh giá HSDT (ví dụ yêu cầu về số lượng bản chụp HSDT...) cũng như cho quá trình thực hiện hợp đồng nếu NT trúng thầu, bởi HSMT là 1 thành phần thuộc hồ sơ hợp đồng mà NT là một bên ký hợp đồng.
Như vậy, trong HSMT, có những yêu cầu là cứng phải tuân thủ theo đúng quy định trong Mẫu HSMT mà người lập HSMT không được thay đổi. Có yêu cầu trong HSMT lại phải dựa trên những nội dung mang tính pháp lý đã được phê duyệt trước đó. Song, có những yêu cầu người lập HSMT được đưa ra 1 lựa chọn trong nhiều hơn 1 lựa chọn hoặc được lựa chọn trong 1 khoảng giới hạn nào đó, nghĩa là phụ thuộc vào sự hiểu biết đối với gói thầu, phụ thuộc vào năng lực, kinh nghiệm chuyên môn, và đặc biệt phụ thuộc vào phẩm chất của chuyên gia tham gia lập HSMT có muốn tạo ra một HSMT đạt được sự cạnh tranh giữa các NT theo đúng nghĩa của nó hay muốn định hướng cho 1 hoặc 1 vài NT thân quen.