Ảnh Internet |
Theo CBRE, việc nới lỏng quyền sở hữu tài sản cho người nước ngoài vào tháng 7/2015 đã dẫn đến sự gia tăng người mua cá nhân ở nước ngoài, đặc biệt là từ Singapore và Hàn Quốc. Ngoài ra, do tâm lý thị trường tăng cao, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua lại một vài khu vực phát triển lớn trong quý 4/2017.
Xét về nhu cầu của nhà đầu tư, các chủ đầu tư trong nước vẫn tiếp tục tập trung vào hình thức liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là để phát triển những dự án khu dân cư. Trong khi đó, một số chủ đầu tư nước ngoài đã liên doanh với các chủ đầu tư trong nước trong quý 4/2017, tập trung chủ yếu vào các dự án khu dân cư.
“Lợi suất đầu tư cao nhất thuộc về các chủ đầu tư Nhật Bản. Tuy nhiên, chủ đầu tư Trung Quốc cũng hoạt động mạnh trong quý này”, CBRE nhấm mạnh và cho biết thêm: “CapitaLand và Keppel Land đều mua những khu đất phát triển dự án lớn ở TP.HCM. Các nhà đầu tư trong nước đang dần khẳng định mình với giao dịch đáng chú ý gần đây là một chủ đầu tư trong nước đã mua lại một dự án của POSCO (Hàn Quốc).
Các chủ đầu tư trong nước và nước ngoài đã có một quý cuối cùng trong năm 2017 bận rộn để tạo đà bứt phá mới cho năm 2018. Theo CBRE, hiện các quỹ đầu tư tiếp tục tìm kiếm cơ hội trong bất động sản thương mại và nhà ở.
Nhận định về triển vọng và cơ hội trong 6 tháng tới, CBRE cho rằng, đối với lĩnh vực văn phòng, các tòa nhà văn phòng hạng A ở trung tâm Hà Nội được quan tâm nhất do nhu cầu thuê tương đối cao.
Riêng lĩnh vực bán lẻ, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục liên doanh với các chủ đầu tư trong nước để phát triển những trung tâm thương mại chất lượng cao ở TP.HCM.
Đặc biệt, ở lĩnh vực công nghiệp, việc thiếu nguồn cung đang khuyến khích các nhà đầu tư liên doanh với các tập đoàn trong nước để phát triển dự án.
“Xu hướng nổi trội nhất cho 6 tháng tới là các nhà đầu tư đang thể hiện nhu cầu mạnh mẽ về bất động sản khách sạn ở Hà Nội và TP.HCM nhưng giao dịch bị hạn chế do thiếu dự án để bán”, CBRE nhận định.