Bộ trưởng Tài chính các nền kinh tế APEC dự họp báo. Ảnh: VGP |
Đây là một nội dung đáng chú ý trong Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 tại Quảng Nam.
Nhiều nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có Việt Nam, có nhu cầu về đầu tư hạ tầng rất lớn để thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế. Trong khi đó, khả năng đáp ứng của ngân sách có hạn, dẫn đến những thách thức không hề nhỏ trong việc phát triển hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng.
Do đó, nội dung về đa dạng hoá, cách thức cải thiện cơ sở hạ tầng đã được nhiều đại biểu quan tâm.
Trong Tuyên bố chung, các Bộ trưởng Tài chính APEC cho rằng việc tìm giải pháp cho vấn đề này cũng sẽ góp phần làm giảm chi phí huy động vốn và gia tăng nguồn lực đầu tư.
Việc hình thành các thị trường vốn tại các nền kinh tế, đặc biệt là các thị trường nợ và tài sản tài chính là bước đi quan trọng trong việc huy động các nguồn lực dài hạn cho các dự án cơ sở hạ tầng và gia tăng các lựa chọn cho Chính phủ. Thông qua việc sử dụng cơ chế “tài trợ hỗn hợp” - sử dụng nguồn tài chính công kết hợp với huy động thêm các nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân thì Chính phủ có thể giảm rủi ro và gia tăng nguồn đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng.
Các Bộ trưởng nhận định, trong phần lớn các nền kinh tế, nguồn vay ngân hàng thương mại là nguồn tài chính phổ biến sử dụng cho các khoản vay đầu tư cơ sở hạ tầng. Hệ thống tài chính được chi phối bởi các ngân hàng đồng nghĩa với việc hệ thống ngân hàng sẽ tiềm ẩn rủi ro cao.
Các khuyến nghị chính sách cần xác định được các cơ hội để thúc đẩy nhiều hơn sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua các giai đoạn phát triển của dự án.
Minh bạch hoá quy trình giảm thiểu rủi ro quan hệ PPP
Về quan hệ đối tác công-tư (PPP), một số tổ chức quốc tế nhấn mạnh ba yếu tố đặc biệt hữu ích để xác định mức độ hỗ trợ của Chính phủ đối với dự án PPP qua đó xây dựng một cơ chế phù hợp. Bao gồm: Thiết lập khuôn khổ thể chế rõ ràng, hợp pháp và có thể dự đoán được với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng có đủ năng lực; xác định các lựa chọn về PPP trên cơ sở giá trị tiền tệ và cuối cùng là áp dụng quy trình ngân sách minh bạch để giảm thiểu rủi ro tài chính và đảm bảo sự thống nhất của quy trình chi tiêu công.
Môi trường kinh doanh thuận lợi với hệ thống luật pháp nghiêm minh, bảo đảm tuân thủ các cam kết hợp đồng và các quy định mang tính hiệu quả cao là yếu tố cơ bản trong việc thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào thị trường cơ sở hạ tầng.
Rủi ro cần phải được phân loại rõ ràng, có thể đo lường và được quản lý bởi các tổ chức có năng lực. Một hợp đồng hiệu quả sẽ gắn các mục tiêu cung cấp dịch vụ của Chính phủ phù hợp với mục tiêu lợi nhuận của khu vực tư nhân với mức độ rủi ro chấp nhận được.
Các lãnh đạo tài chính của APEC cho rằng, các thỏa thuận hợp đồng, bảo hiểm và bảo lãnh là những công cụ hiệu quả nhất để giảm thiểu hoặc chuyển giao các rủi ro thương mại ở một số nền kinh tế APEC. Cần xem xét các thực tiễn tốt mang lại hiệu quả đầu tư công.
Trao đổi thêm với báo chí bên lề Hội nghị, ông Jose Angel Gurria, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng, đầu tư là yếu tố quyết định mức tăng trưởng của tương lai. Lĩnh vực cơ sở vật chất có vai trò quan trọng trong việc tăng cường năng suất nhằm nâng cao tính cạnh tranh.
“Không nên chỉ chú trọng vào phát triển cơ sở vật chất “hữu hình” như cầu đường, cao tốc, cầu cảng và sân bay mà còn phải tập trung vào những loại hình cơ sở vật chất “vô hình” như giáo dục, nâng cao kỹ năng và tạo một môi trường pháp lý tốt, linh hoạt hơn. Như vậy, có thể nói rằng khía cạnh cơ sở vật chất “hữu hình” và “vô hình” là quan trọng ngang nhau”, Jose Angel Gurria nhấn mạnh.
Còn ông Paul R.Samson, Bộ Tài chính Canada cho rằng, hình thức đối tác công tư (PPP), khu vực tư nhân có thể được can dự vào các dự án cơ sở hạ tầng theo một cách thức mới.
Canada gần đây đã thiết lập một ngân hàng cơ sở hạ tầng mới được thiết kế dành riêng cho các khoản tiền của khu vực tư nhân, bởi vì khu vực này cần phải vận hành theo một cách thức riêng.