Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đi vào hoạt động đạt mức cao. Ảnh minh họa/TTXVN |
Theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính từ đầu năm đến nay, có 5 khu công nghiệp (KCN) được thành lập mới và quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích 1.882,6 ha. Đồng thời, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của 1 KCN và đưa ra khỏi quy hoạch 1 KCN với tổng diện tích 501 ha.
Lũy kế đến hết tháng 7/2017, cả nước có 328 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên là 96.300 ha; trong đó, 223 KCN đi vào hoạt động và 105 KCN đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 51%, riêng các KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 73%.
Đối với các khu kinh tế ven biển, cả nước có 16 khu kinh tế (KKT) được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước xấp xỉ 815.000 ha. Ngoài ra, còn có 2 KKT ven biển là Thái Bình, tỉnh Thái Bình và Ninh Cơ, tỉnh Nam Định có trong quy hoạch nhưng chưa được thành lập.
Trong tháng 7/2017, các KCN, KKT thu hút được 553 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 8,6 tỷ USD. Lũy kế đến hết tháng 7/2017, các KCN, KKT đã thu hút được 7.757 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 163,9 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 58%.
Về thu hút đầu tư trong nước, các KCN, KKT thu hút được 450 dự án đầu tư và điều chỉnh tăng vốn cho hơn 162 dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 123.000 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 7/2017, các KCN, KKT thu hút được 8.052 dự án với tổng mức đầu tư đạt 1.830,7 tỷ đồng. Vốn thực hiện đạt khoảng 42%.
Đối với giải quyết vấn đề môi trường, tính đến hết tháng 7/2017, có 87% trong số 223 KCN đã đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung, đạt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao; 13% KCN còn lại đảm bảo từng doanh nghiệp thứ cấp phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra ngoài môi trường.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của các KCN, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, ông Trần Duy Đông cho biết sẽ nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch KCN. Bao gồm: xây dựng, triển khai quy hoạch phát triển KCN gắn với thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư, quy hoạch nhà ở và các quy hoạch ngành khác. Đồng thời, phát triển KCN với số lượng và quy mô phù hợp với điều kiện phát triển thực tế của địa phương, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất KCN, kiên quyết không phát triển KCN trên đất lúa có năng suất ổn định.
Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, điều chỉnh quy hoạch KCN cho phù hợp với tình hình thực tế; đảm bảo diện tích KCN phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ; không bỏ trống đất đai, gây lãng phí; không phát triển KCN khi chưa đảm bảo tỷ lệ lấp đầy KCN theo quy định. Hạn chế tối đa việc tăng diện tích, bổ sung mới quy hoạch KCN; tập trung phát triển các KCN đã thành lập, chỉ thành lập thêm KCN khi đáp ứng điều kiện theo quy định.