Từ nhà đầu tư cá nhân cho đến những quỹ đầu tư lớn đều không tránh được cơn bão của thị trường chứng khoán. |
Đà tăng, giảm đan xen với biên độ cao của thị trường trong 6 tháng đầu năm khiến không chỉ những nhà đầu tư nhỏ lẻ, mà ngay cả những quỹ đầu tư lớn cũng bị ảnh hưởng.
Trong hàng chục đơn vị đầu tư đang hoạt động tại thị trường, có ít nhất 13 công ty, quỹ đầu tư tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) âm trên 2% trong nửa đầu năm 2018. Trong đó, có cả những quỹ đầu tư, vốn được ví như "cá mập" trên sàn chứng khoán cũng phải "nếm" mức sụt giảm đến hai con số.
Đứng đầu trong danh sách sụt giảm là Hestia - một doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. Nửa đầu năm 2018, công ty đầu tư nàygiảm 19,4% về giá trị NAV, đứng đầu trong danh sách những quỹ, công ty đầu tư có mức sinh lời kém nhất.
Một công ty khác có liên quan với Hestia là Passion Investment cũng đứng thứ 4 trong danh sách với mức sụt giảm 8,6% NAV so với đầu năm.
Nhiều quỹ nội khác cũng không nằm ngoài "cơn bão" này. Đứng thứ hai về mức giảm NAV, nhóm quỹ Thiên Việt với TVAM TVGF2 và TVAM TVGF1 giảm lần lượt 11,6% và 8,3%. Các quỹ khác như Techcom Capital TCEF giảm 5,3% NAV so với đầu năm, SSI SCA và VCBF-BCF cùng giảm 4,6%.
Cả những tên tuổi lớn như Pyn Elite Fund, hay quỹ tỷ đô như Dragon Capital VEIL cũng chịu chung cảnh lỗ khi ghi nhận mức độ sụt giảm NAV lần lượt là 5,9% và 3,5%.
Việc sụt giảm của những công ty, quỹ đầu tư vốn được xem là "cá mập" trên thị trường, cũng không khó lý giải. Với khẩu vị ưa thích là những cổ phiếu vốn hóa lớn hoặc dòng tài chính, các quỹ này thường giành một phần lớn tỷ trọng giải ngân vào nhóm bluechips trong rổ VN30, cũng như nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán.
Trong nửa cuối 2017 và những tháng đầu năm 2018, những cổ phiếu này là đầu tàu đưa VN-Index liên tục lập đỉnh. Những quỹ đầu tư cũng nhờ vậy mà gặt hái thành công vang dội.
Tuy nhiên, khi thị trường đảo chiều, chính những cổ phiếu tăng nhanh nhất lại trở thành nhóm giảm mạnh nhất. Với tỷ trọng đầu tư cao, các quỹ đầu tư phải gánh hậu quả nặng nề. Không những thành quả trong 3 tháng đầu năm mà cả phần lợi nhuận năm 2017 cũng bị ăn mòn.
Sự khốc liệt của thị trường chứng khoán thể hiện rõ ràng trong diễn biến của những chỉ số chính nửa đầu năm 2018. Ba tháng đầu năm, VN-Index là chỉ số tăng mạnh nhất thế giới với hơn 19%, nhưng chỉ ba tháng tiếp theo, chỉ số đại diện cho HoSE cũng mất tương đương để trở thành cái tên đầu bảng những chỉ số giảm mạnh nhất thế giới.
Như trường hợp Hestia và Passion Investment, điểm chung của hai doanh nghiệp này cùng là đầu tư phần lớn tài sản vào duy nhất cổ phiếu VPB của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Theo báo cáo đến cuối quý I của Passion Investment, doanh nghiệp này dùng gần 95% trên tổng số hơn 220 tỷ đồng để mua 3,24 triệu cổ phiếu VPB.
Tuy nhiên, diễn biến của cổ phiếu này không chiều lòng Hestia hay Passion Investment. Cổ phiếu VPB tăng một mạch từ đầu năm đến đầu tháng 4 đạt mức đỉnh gần 70.000 đồng, sau đó giảm về dưới mức 50.000 đồng. Sau khi chia cổ phiếu thưởng và điều chỉnh giá tham chiếu về 30.600 đồng, cổ phiếu này tiếp tục lao đốc theo đà giảm chung. Thời điểm gần nhất, mỗi cổ phiếu VPB chỉ còn hơn 25.000 đồng, với mức giảm hơn 40% so với đỉnh (sau điều chỉnh).
Ngay cả những cổ phiếu mới lên sàn như Techcombank, vốn được những quỹ lớn ưu ái, cũng không nằm ngoài cơn bão. Cổ phiếu Techcombank chào sàn với giá tham chiếu 128.000 đồng, tuy nhiên đây cũng là mức cao nhất mà cổ phiếu TCB có được. Đến trước khi điều chỉnh chia cổ phiếu thưởng, TCB giảm về trên dưới 80.000 đồng, mất gần 40% thị giá so với ngày đầu tiên lên sàn.
Một số cổ phiếu bluechip khác như GAS hiện chỉ còn 75.000 đồng so với mức đỉnh đầu tháng 4 hơn 130.000 đồng, SSI còn 27.000 đồng so với mức đỉnh 44.000 đồng, hay MSN còn 74.000 đồng so với mức 118.000 đồng.