Bước tiến mới tại Dự án cầu Đại Ngãi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Được khởi động từ năm 2015, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu nối liền 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp vốn, phải chuyển đổi phương thức đầu tư. Sau 6 năm lận đận, Dự án đang được tái khởi động nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cầu Đại Ngãi sẽ là cầu dây văng thứ 3 bắc qua sông Hậu. Ảnh mô hình
Cầu Đại Ngãi sẽ là cầu dây văng thứ 3 bắc qua sông Hậu. Ảnh mô hình

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi được phê duyệt từ năm 2015, có chiều dài toàn tuyến khoảng 15,2 km, bao gồm 2 cầu chính (Đại Ngãi 1, Đại Ngãi 2), 5 cầu trung và nhỏ cùng hệ thống đường dẫn vào cầu. Trong đó, riêng cầu Đại Ngãi 1 dài 2,24 km, vượt qua luồng Định An, đảm bảo khổ thông thuyền cho tàu 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn vơi tải ra vào sông Hậu từ kênh Quan Chánh Bố. Cầu Đại Ngãi 2 dài 0,86 km, vượt qua luồng Trần Đề, đảm bảo khổ thông thuyền tương ứng với sông cấp 1 (cho tàu 2.000 tấn). Cầu Đại Ngãi 1 và cầu Đại Ngãi 2 đều có 4 làn xe, mặt cầu rộng 16m.

Dự án có điểm đầu giao với Quốc lộ 54 thuộc địa phận huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh và điểm cuối giao với đường Nam sông Hậu, thuộc địa phận huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, cách bến phà hiện hữu gần 8km về phía hạ lưu. Theo hồ sơ phê duyệt năm 2015, Dự án có tổng vốn đầu tư gần 5.800 tỷ đồng. Trong đó, Hợp phần 1 (gần 2.800 tỷ đồng) xây dựng cầu chính dây văng của cầu Đại Ngãi 1 đầu tư theo hợp đồng BOT. Hợp phần 2 (gần 3.000 tỷ đồng) bao gồm toàn bộ phần cầu dẫn của cầu Đại Ngãi 1; cầu Đại Ngãi 2, đường dẫn… được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Theo dự kiến ban đầu, Hợp phần 1 của Dự án khởi công năm 2016, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2019. Thời gian thu phí hoàn vốn của Dự án tại trạm thu phí cầu Đại Ngãi khoảng 22 năm 4 tháng, thu phí tại Trạm thu phí cầu Cổ Chiên khoảng 13 năm 4 tháng, sau khi đã hoàn vốn cho Dự án cầu Cổ Chiên. Thông báo mời thầu rộng rãi quốc tế có sơ tuyển được Ban Quản lý dự án 7 công bố vào tháng 1/2016. Tuy nhiên, do không có nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ tuyển, Dự án sau đó buộc phải hủy thầu.

Cuối năm 2016, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi phương thức đầu tư Dự án sang sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.

Năm 2017, Bộ GTVT triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và giao Ban Quản lý dự án 7 tổng hợp, cập nhật các nghiên cứu của tư vấn trong nước, tư vấn Nhật Bản, ý kiến các bộ, ngành và địa phương để hoàn thiện Báo cáo.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.

Bộ GTVT cho biết, do cầu Đại Ngãi có quy mô lớn, vị trí xây dựng trên khu vực địa chất phức tạp, có lớp bùn dày, gần cửa biển, nên khâu nghiên cứu khả thi cần chuyên gia giàu kinh nghiệm cũng như tốn nhiều kinh phí. Bộ GTVT đã có văn bản gửi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đề nghị cung cấp khoản tài trợ không hoàn lại để thuê các chuyên gia Nhật Bản nhiều kinh nghiệm hỗ trợ. Hiện JICA đã triển khai tuyển chọn tư vấn để tiến hành lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và lên kế hoạch triển khai thi công Dự án vào đầu năm 2023. Bộ GTVT cũng đang bố trí vốn để tuyển chọn tư vấn trong nước lập đánh giá tác động môi trường. Đây được xem là bước tiến mới, quan trọng nhằm thúc đẩy tiến độ Dự án.

Sau khi điều chỉnh phương thức đầu tư, Dự án cầu Đại Ngãi có tổng mức đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng. Dự án được triển khai sẽ giúp Đại Ngãi trở thành cầu dây văng thứ 3 bắc qua sông Hậu (hiện có cầu Cần Thơ, cầu Vàm Cống), rút ngắn khoảng cách từ Cà Mau về TP.HCM hơn 80km.

Chuyên đề