Bức tranh “Đám cưới chuột” và những ẩn dụ cuộc sống

(BĐT) - Là một sản phẩm độc đáo của làng tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh), ra đời cách đây đã trên dưới 600 năm, bức tranh “Đám cưới chuột” có thể xem là một trong số những bức tranh khá đặc biệt mang nhiều ẩn ý nhất trong những bức tranh vốn phong phú, đa dạng về nội dung, độc đáo, điêu luyện về cách thức biểu đạt của dòng tranh dân gian này.
Bức tranh “Đám cưới chuột” và những ẩn dụ cuộc sống

Tranh Đông Hồ thường có nội dung thể hiện khát vọng ấm no, hạnh phúc của người nông dân, như “Chăn trâu thổi sáo”, “Đàn lợn”, “Đàn gà”, “Cá chép”… hay những bức vừa trào phúng, vui nhộn, vừa có tính châm biếm, hài hước, như “Đánh ghen”, “Hứng dừa”… mang những hàm ngôn giản dị, tươi vui. Và nếu có chút “giáo dục tính” nào đó thì cũng chỉ ở mức “đóng cửa bảo nhau” hết sức tế nhị của những người nông dân luôn trọng “tình làng nghĩa xóm”.

“Đám cưới chuột”, tác phẩm nổi tiếng nhất của dòng tranh Đông Hồ với những hàm ngôn sâu xa hơn, lại nghiêng về phản ánh mối quan hệ xã hội một cách sinh động và đầy hóm hỉnh. Thông qua bức tranh, một phần thuộc tính xã hội thời phong kiến đã được phản ánh bằng chính ngôn ngữ hội họa cũng vô cùng mộc mạc, gần gũi, mà bất kỳ người nông dân nào, từ nhỏ đến lớn, cũng có thể nhận ra. Chính vì vậy mà nói đây là một bức tranh khá đặc biệt, được ưa thích, không chỉ thời xưa mà đến nay vẫn còn những giá trị sinh động.

“Đám cưới chuột” mang đậm nét văn hóa dân tộc vùng nông thôn Bắc Bộ, thể hiện ở nghệ thuật tạo hình, đường nét màu sắc, và cấu trúc của tác phẩm. Bố cục bức tranh chia thành hai lớp, trên - dưới, hay nói cách khác là có hai tầng, nhưng cùng diễn tả một nội dung cũng là một điểm hiếm thấy trong nghệ thuật dân gian xưa nay. Hai nhân vật chính là chuột và mèo, vốn không đội trời chung trong cuộc sống hàng ngày, cùng xuất hiện trong bức tranh nghiễm nhiên đã hàm chứa những vấn đề mâu thuẫn giai cấp trong xã hội. Và chính vì vậy, hành vi của những nhân vật đó cũng giống như những thước phim với đầy đủ lớp lang, giải mã những vấn đề mà người nghệ sỹ dân gian, những người có thể xem là thuộc tầng lớp “bị trị” trong xã hội, đang muốn gửi gắm.

Gọi là “Đám cưới chuột”, nhưng trong tranh Đông Hồ, bức tranh này có hai tên khác nhau, là “Đám cưới chuột” hay “Trạng chuột vinh quy”. Nội dung diễn tả một đám rước đầy đủ kèn trống, cờ quạt, lễ vật… diễn ra trong không khí trang nghiêm, nhưng rất vui vẻ. Các nhân vật trong tranh gồm có "Chuột chồng" mũ mãng, cân đai chỉnh tề, cưỡi ngựa đi trước, "Chuột vợ" ngồi kiệu theo sau. Tùy theo những chữ (hán) được ghi trong tranh là Nghênh hôn, Chú rể, hay Tiến sĩ, Vinh quy mà người ta gọi là tranh “Đám cưới chuột” hay “Trạng chuột vinh quy”. Nhưng dù gọi theo tên nào thì nhìn vào tổng thể bức tranh vẫn thấy toát lên một thông điệp, mang tính ẩn dụ về cuộc sống: Là cuộc đấu tranh giữa trí tuệ (Chuột = tinh khôn, láu lỉnh) và sức mạnh (Mèo = to lớn, hung dữ); là sự phê phán tệ nạn tham ô, ăn đút lót của bọn thống trị (mà Mèo là đại diện); là bài học về cách ứng xử của kẻ yếu thế với kẻ mạnh (họ nhà Chuột muốn được yên thân lo “việc lớn”, đã phải trịnh trọng kèn trống, lễ vật để dâng biếu Mèo đang vểnh râu, trừng mắt ngồi chờ)...

Tính độc đáo của bức tranh là đã thể hiện tiếng cười hóm hỉnh mỉa mai sâu cay của nhân dân lao động, mặc dù trong tranh không chú thích cụ thể về ý đồ của tác giả… Thật hài hước và dí dỏm khi thấy hai con vật đời thường vốn là hai kẻ tử thù, lại cùng ngồi bên nhau (tuy vị thế có khác nhau), với những thái độ hành xử khác nhau, nhưng cuối cùng vẫn là để cùng đạt mục đích riêng của mỗi bên. Chuyện đời là thế. Và triết lý ấy không phải chỉ ở riêng bức tranh này. Cũng trong kho tàng dân gian, người nông dân Việt từng lưu hành câu ca dao liên quan đến mèo và chuột để nói về một điều nghịch lý và đưa ra một bài học về cách ứng xử, khéo léo, mềm mỏng, nhân ái, với mục tiêu chung sống hòa bình.

Con mèo trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo

Thế mới hay ông cha ta xưa, tuy không triết lý cao xa, nhưng mỗi lời nói, mỗi hành động, nhất là những lời nói và hành động đã đi vào nghệ thuật, tồn tại bền bỉ trong đời sống dân gian, đều mang những ẩn ý sâu xa, không phải chỉ để hát chơi, mà còn để suy ngẫm và qua đó dạy dỗ con cháu về cách đối nhân xử thế cho hợp thời và hợp lẽ đời.

Và cũng không phải chỉ ở Việt Nam. Trên thế giới, câu chuyện mèo và chuột cũng là đề tài được đem ra để dạy cho trẻ em những vấn đề về ứng xử. Tuổi thiếu nhi hẳn nhiều người còn nhớ đến bộ phim hoạt hình có tên Tom và Jerry của Mỹ. Hai nhân vật chính của bộ phim là mèo Tom và chuột Jerry. Những cuộc đấu hài hước giữa cặp đối thủ mang tính biểu tượng này cũng hàm chứa rất nhiều ý nghĩa. Tom hiếm khi thành công trong việc bắt Jerry, chủ yếu là do sự thông minh, khôn ngoan và một phần may mắn của Jerry. Ấy là những bài học về sự chiến thắng của trí tuệ trước sức mạnh cơ bắp, là bài học về việc “ở hiền gặp lành”…  Trong một số dịp, Tom và Jerry lại thể hiện tình bạn chân thành và quan tâm đến hạnh phúc của nhau. Vào những lúc khác, chúng gác lại sự ganh đua của mình để theo đuổi một mục tiêu chung… Dường như triết lý ấy, trên trế giới này ở đâu cũng vậy.

Để hiểu thêm về bức tranh “Đám cưới chuột”, thiết nghĩ cũng cần định vị lại nó cũng như dòng tranh Đông Hồ nói chung trong các dòng tranh dân gian Việt Nam. Một cách tóm lược nhất, nếu như tranh Hàng Trống (Hà Nội) có gốc gác từ nơi đô hội, thì đương nhiên dòng tranh này cũng mang hình thức và tâm thức “thị dân” ngay trong màu sắc, đường nét và cả nội dung từng bức tranh. Tranh Làng Sình (Huế), cũng có nguồn gốc dân gian và nhiều nét tương đồng với tranh Đông Hồ, nhưng sau khi chuyển dần thành dòng tranh phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của người dân Huế, thì tinh thần của mỗi bức tranh đã khác.

Tương tự như vậy, tranh Kim Hoàng (Hà Tây) chú trọng hơn về nội dung, nên trên những bức tranh không chỉ có hình ảnh mà có những câu thơ chữ Hán được viết theo lối thảo, tạo nên một chỉnh thể khác hẳn so với các dòng tranh dân gian khác. Trong khi đó tranh Đông Hồ hầu như vẫn giữ nguyên những “hồn cốt” dân gian của một vùng văn hóa khá đặc sắc. Chính vì thế mà “Đám cưới chuột” tuy xuất hiện đã hơn nửa thiên niên kỷ, nhưng sự bền bỉ và sức lan tỏa của nó đã thẩm thấu khá sâu đậm vào tâm tưởng nhân gian người Việt. Đó là những câu chuyện không bao giờ cũ, những câu chuyện từ cuộc đời mà suy ngẫm về cuộc đời… 

Chuyên đề