“Bom” tranh chấp chung cư đồng loạt “kích nổ“: Hiểm hoạ “xẻ thịt mồi sữa“

Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Trần Ngọc Quang cho rằng, một trong những mâu thuẫn phổ biến nhất trong quản lý chung cư hiện nay xuất phát từ khoản phí bảo trì 2% - một số tiền rất lớn, một “con mồi sữa” mà khi nó vào tay ai, họ sẽ tìm cách giữ nó ở bên cạnh thật lâu để “xẻ thịt” - gây nên tình trạng chủ đầu tư chây ì thành lập Ban Quản trị, cư dân bức xúc đẩy hành động lên cao trào.
Cư dân Hồ Gươm Plaza căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các quyền lợi của cư dân.
Cư dân Hồ Gươm Plaza căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các quyền lợi của cư dân.

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân.  Những "quả bom" đồng loạt kích nôt đẩy mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư lên đến đỉnh điểm. Cuộc chiến vẫn căng thẳng chưa có hồi kết khi chủ đầu tư "làm ngơ" và cư dân không giải quyết được những bức xúc của mình. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự yếu kém trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư.

Bùng phát tranh chấp

Mới đây cư dân chung cư Hồ Gươm Plaza (Khu đô thị mới Mỗ Lao, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) đã tập trung trước lối vào chung cư này và căng băng rôn “tố” hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư.

Theo Hợp đồng mua bán căn hộ, chủ đầu tư cam kết bàn giao nhà vào quý IV/2013. Tuy nhiên, công trình đã chậm tới quý II/2014 mới bắt đầu bàn giao. Thời điểm cư dân về ở, nhiều hạng mục như thang máy, khu vui chơi trẻ em… của công trình vẫn còn ngổn ngang.

Đến nay, sau gần 3 năm kể từ khi bàn giao, cư dân Hồ Gươm Plaza luôn tỏ ra bức xúc và đã nhiều lần phản đối quyết liệt chủ đầu tư bằng hình thức căng băng rôn. Những bức xúc của cư dân chủ yếu trong việc xây dựng tòa nhà, dịch vụ quản lý, hạ tầng và tiện ích. Cụ thể, tòa A theo thiết kế ban đầu được duyệt căn hộ chung cư cao cấp từ tầng 6 - 29, mỗi tầng 14 căn hộ nhưng chủ đầu tư đã xây thêm 2 căn hộ mini diện tích dưới 40m2 tại mỗi tầng để bán cho khách hàng.

Ngoài ra, liên quan tới vấn đề phí dịch vụ, Ban đại diện dân cư đã làm việc với chủ đầu tư nhiều lần nhưng 2 bên không đạt được tiếng nói chung. Theo cư dân, việc thu phí dịch vụ với giá 6.500 đồng/m2 ở đây không tương xứng với các dịch vụ mà họ đáng ra phải được hưởng.

Bên cạnh đó, cư dân còn bức xúc bởi trạm điện kỹ thuật gây tiếng ồn, mùi thức ăn chế biến từ nơi kinh doanh của Big C, sự bất hợp lý trong việc xử lý rác thải, hệ thống PCCC… Kinh khủng nhất có lẽ là sự việc bục bể phốt xảy ra vào đêm 28/2 vừa qua tại chung cư này.

Theo phản ánh của người dân đang sinh sống tại chung cư Hồ Gươm Plaza, vào khoảng 22h đêm ngày 28/2, hiện tượng bể phốt bị bục, rò rỉ và bốc mùi hôi thối đã xảy ra tại tầng hầm gửi xe. Ngay sau khi phát hiện mùi xú uế, nước thải,... các công nhân vệ sinh đã được huy động nhanh chóng để dọn dẹp. Tuy nhiên, dù được tẩy trùng, sử dụng hóa chất nhưng mùi xú uế vẫn không hết.

Quá trình sinh sống, cư dân cũng từng phản ánh những bất cập như thu phí dịch vụ cao, thu phí tòa nhà khi chưa hoàn tất các hạng mục, chưa đủ điều kiện đi vào sử dụng, chủ đầu tư chiếm dụng không gian chung của cư dân để xây thêm các căn hộ bán cho khách hàng... Mâu thuẫn đẩy cao đến mức cư dân đã tập trung xuống sân, treo băng rôn phản đối.

Cùng chung “số phận”, cư dân chung cư Home City (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đang phải sống trong cảnh hầm xe bốc mùi hôi thối, nước ngập hành lang… Theo đó, sau một trận mưa vào ngày 8/3, cư dân tại đây vô cùng bất ngờ khi trở về nhà đã thấy nước chảy lênh láng từ hàng lang vào nhà khiến sàn gỗ ngập nước.

Một số căn ở tầng 22 của tòa V4 đã phải hứng chịu tình cảnh này. Trong đó, có một căn hộ ở tầng 22 tòa V4, chủ nhà đã nhận nhà nhưng chưa về ở, nhưng chỉ sau một trận mưa đã khiến logia bị ngập và do hệ thống thoát nước kém dẫn đến nước tràn vào nhà rồi tiếp tục chảy tràn ra ngoài, gây ngập hành lang tầng 22.

Ngoài ra, theo nhiều hộ dân, sau một thời gian về ở, hiện một số căn hộ đã thấy bốc mùi hôi từ hệ thống nước thoát sàn nhà vệ sinh. Chưa kể, cách xử lý rác thải cẩu thả tại đây đã khiến khu vực hầm để xe bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Một tranh chấp khác cũng xảy ra sát với khoảng thời gian diễn ra tranh chấp tại chung cư Hồ Gươm Plaza và chung cư Home City, là việc chủ đầu tư chây ì cố tình “phớt lờ”, không chịu bàn giao công tác quản lý và phí bảo trì, không công nhận Ban quản trị (BQT) tại chung cư CT12 Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội).

Theo đó, mặc dù BQT tòa nhà CT12 được thành lập đúng theo quy định của pháp luật và được UBND phường Phú La, quận Hà Đông công nhận nhưng chủ đầu tư lại “cùn cối” không đồng ý. Việc này đang khiến cư dân chung cư CT12 bức xúc và BQT chưa được hoạt động. Điều này đồng nghĩa, một khi xảy ra tranh chấp tại tòa nhà, sẽ không có một đại diện nào đứng ra đấu tranh, giải quyết tranh chấp bảo vệ quyền lợi của cư dân.

“Bom” tranh chấp chung cư đồng loạt “kích nổ“: Hiểm hoạ “xẻ thịt mồi sữa“ ảnh 1

Hành lang bị ngập nước tại chung cư Home City (Cầu Giấy, Hà Nội) sau trận mưa ngày 8/3.

Thi nhau "xẻ thịt mồi sữa"

Tranh chấp giữa khách hàng và người dân tại 3 dự án nêu trên là những tranh chấp điển hình diễn ra trong nửa đầu tháng 3/2017 liên quan đến vấn đề quản lý, vận hành nhà chung cư. Phải chăng khả năng giải quyết khủng hoảng, tranh chấp của các chủ đầu tư đang quá yếu kém?

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, một trong những mâu thuẫn nghiêm trọng, phổ biến nhất trong quản lý chung cư hiện nay xuất phát từ khoản phí bảo trì 2% - một số tiền rất lớn, một “con mồi sữa” mà khi nó vào tay ai, họ sẽ tìm cách giữ nó ở bên cạnh thật lâu để “xẻ thịt” gây nên tình trạng chủ đầu tư chây ì thành lập BQT, cố tình không công nhận BQT khiến cư dân bức xúc, điển hình như vụ việc tại Chung cư CT12 Văn Phú vừa qua.

Ông Quang cho biết thêm, theo quy định, người mua, thuê mua trước khi nhận bàn giao nhà phải đóng 2% phí bảo trì cho chủ đầu tư tạm quản lý. Chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao số tiền bảo trì sau khi BQT được thành lập.

“Như vậy, khi chủ đầu tư kéo dài việc thành lập BQT thì quỹ bảo trì (QBT) vẫn ở trong tay chủ đầu tư. Họ vẫn hưởng lợi từ số tiền đó bằng cách tiêu QBT, mặc dù việc chi tiêu vẫn theo điểm mục pháp luật nhưng mức độ chi tiêu của họ có thể khác nhau cho nên một thời gian rất ngắn là QBT bị hết, đến khi giao cho BQT thì hết QBT, đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bức xúc của cư dân gây bùng phát tranh chấp”, ông Quang nói.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành cho rằng, nhiều chủ đầu tư thu phí bảo trì và đã tiêu hết trong lúc “túng tiền”, không có khả năng trả lại QBT cho dân. Và một trong những cách kéo dài việc bàn giao QBT là chủ đầu tư tìm cách không tổ chức Hội nghị nhà chung cư, không thành lập BQT chung cư để kéo dài thời gian bàn giao thậm chí không bàn giao số tiền này. 

Điều này cho thấy, việc quản lý toà nhà sau khi đưa vào sử dụng hiện nay gần như đang bị bỏ ngỏ. Nhiều chủ đầu tư "đem con, bỏ chợ", nhanh chóng "hớt váng" rồi trốn tránh trách nhiệm, mặc cư dân bơ vơ với những ngổn ngang vấn đề cần phải giải quyết. Vậy đâu là chìa khoá mở "nút thắt" này?

Chuyên đề