Bồi đắp “nguyên khí quốc gia” trong thời đại mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong hành trình lịch sử bao thăng trầm xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước để có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày hôm nay, có biết bao công sức, mồ hôi và cả xương máu của lớp lớp thế hệ người dân Việt Nam, trong đó đội ngũ trí thức luôn là nhân tố cốt lõi, có vai trò đặc biệt quan trọng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3/1964
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3/1964

Hiện nay, trong bối cảnh khoa học, công nghệ đang có sự phát triển vượt bậc trên toàn cầu, để Việt Nam tiếp tục công cuộc Đổi mới và hội nhập, đòi hỏi những giải pháp mang tính đột phá trong xây dựng đội ngũ trí thức, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà

Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Việt Nam là một quốc gia - dân tộc có truyền thống hiếu học, trọng dụng hiền tài, coi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia” (1). Trên dải đất có bề dày văn hiến, lịch sử dân tộc Việt Nam luôn xuất hiện nhiều bậc trí thức đại tài, xuất chúng, đóng góp tâm sức cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Thời nào cũng vậy, trong những hoàn cảnh ngặt nghèo của lịch sử, như giữa lúc “Tuấn kiệt như sao buổi sớm/Nhân tài như lá mùa thu”, hay ở “tình thế ngàn cân treo sợi tóc”, “súng giặc đất rền”…, dân tộc Việt Nam luôn sinh ra những người con anh dũng, những bậc trí thức tài ba, có khả năng “dẫn đạo”, “định hướng”, tập hợp đông đảo quần chúng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Khó khăn, thử thách càng khắc nghiệt thì bản lĩnh, trí tuệ của dân tộc kết tinh ở đội ngũ trí thức càng thăng hoa, trở thành ngọn đuốc, thành ánh sáng “soi đường cho quốc dân đi”. Họ chính là tấm gương tỏa sáng trí tuệ, cốt cách, bản lĩnh, kết tinh giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển mọi mặt của đời sống dân tộc và góp phần thúc đẩy sự tiến bộ không ngừng của nhân loại, được cả thế giới vinh danh và con cháu muôn đời sau ngưỡng vọng.

Nhân dân ta trong suốt chiều dài lịch sử, không phân biệt già trẻ, gái trai, ai ai cũng sẵn sàng một lòng chiến đấu gìn giữ, bảo vệ từng tấc đất của quê hương, đất nước trước quân xâm lược để mong muốn có ngày “trời trong sáng, đất thanh bình”, để “người hiền gặp hội gió mây”, người tài được phát huy hết năng lực cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Theo đó, nhiều bậc minh quân hết sức coi trọng đội ngũ trí thức, coi “người hiền xuất hiện ở đời, thì như ngôi sao sáng trên trời cao” (2), luôn “ghé chiếu lắng nghe, ngày đêm mong mỏi” để cầu người hiền tài trong thiên hạ cùng ra góp sức kiến thiết, xây dựng đất nước, bởi một quy luật đã được lịch sử đúc kết rằng: “nếu như che mất ánh sáng, giấu đi vẻ đẹp, có tài mà không được đời dùng, thì đó không phải là ý trời sinh ra người hiền tài vậy”.

Tiếp nối truyền thống quý trọng người hiền tài của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng việc bồi dưỡng, sử dụng trí thức và trọng dụng nhân tài, khẳng định “kiến thiết cần có nhân tài”, cách mạng “cần có lực lượng của trí thức trên tất cả các lĩnh vực”. Và thực tế cho thấy Người đã quy tụ được nhiều trí thức tài ba. Dù trong nước có điều kiện vô cùng gian khổ, thiếu thốn mọi bề, vẫn có biết bao người trí thức từ bỏ vinh hoa phú quý để trở về Tổ quốc theo tiếng gọi của lòng yêu nước, lòng tôn kính lãnh tụ Hồ Chí Minh để hết lòng, hết sức, tận tụy phục vụ sự nghiệp trường kỳ kháng chiến, “cùng đổ mồ hôi”, “cùng sôi giọt máu” với quảng đại quần chúng nhân dân, tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng làm nên những thắng lợi vĩ đại cho non sông gấm vóc.

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhiệm vụ của Đảng là vừa phải giúp đỡ thế hệ trí thức ngày nay tiến bộ, vừa phải ra sức đào tạo thêm trí thức mới và đó cần là những con người “chính tâm và thân dân” (3). Như vậy, người trí thức không chỉ thực sự là những người vừa “hồng” vừa “chuyên”, có lập trường chính trị vững vàng, đạo đức tốt, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn cần rèn luyện sự “chính tâm” và phải biết gắn bó, thân thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Đó cũng chính là phẩm chất hàng đầu mà người trí thức thời đại mới cần có. Do vậy, khâu đột phá chiến lược quan trọng bậc nhất để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn mới chính là tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, trọng dụng đội ngũ trí thức - những người hiền tài của đất nước.

Ngày nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển của Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, thông tin, dữ liệu lớn đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng cả thế giới về phương thức quản lý, mô hình hoạt động, quản trị, tổ chức và điều hành xã hội trên nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, việc phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với sức mạnh tổng hợp và năng lực cạnh tranh của các quốc gia. Và hơn hết, trước hết, đội ngũ trí thức - với tư cách là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt, nguồn nhân lực chất lượng cao - chính là đội tiên phong trong việc tiếp thu, truyền bá và ứng dụng khoa học, công nghệ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Hội nghị Trung ương 7 khóa X “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đội ngũ trí thức Việt Nam có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, hội nhập quốc tế; được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, tạo môi trường làm việc thuận lợi. Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức còn bất cập, hạn chế; một số nội dung của Nghị quyết số 27 còn chậm được thể chế; chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, đồng bộ; thiếu cơ chế, chính sách đột phá trong đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh trí thức, nhất là bộ phận trí thức tinh hoa, các nhà khoa học, nhà văn hóa lớn.

Do vậy, xuất phát từ những yêu cầu mới của thực tiễn, ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ trí thức trẻ Việt Nam tại Pháp năm 2018

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ trí thức trẻ Việt Nam tại Pháp năm 2018

Nghị quyết khẳng định quan điểm đội ngũ trí thức là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu về một lĩnh vực, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; giàu lòng yêu nước, có đạo đức và lý tưởng cách mạng, gắn bó với Đảng, Nhà nước và dân tộc; là lực lượng có vai trò quan trọng trong liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây cũng chính là lực lượng có trách nhiệm tiên phong, tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên cơ sở xác định xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh, toàn diện là đầu tư cho “nguyên khí quốc gia”, góp phần quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững, Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh cần có cơ chế, chính sách đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hiệu quả, trọng dụng trí thức, đặc biệt là đội ngũ trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước.

Để thu hút được người tài, trước tiên, cần đổi mới mạnh mẽ tư duy, nâng cao, thống nhất nhận thức trong các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức, nhất là trong kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo. Việc phát hiện nhân tài một cách kịp thời (cả trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài) để thực hiện cơ chế, chính sách thu hút, ưu tiên, đãi ngộ là khâu vô cùng quan trọng và cần thay đổi ngay từ tư duy. Thực tế thời gian qua cho thấy, không phải ở đâu và lúc nào, ngay trong đội ngũ lãnh đạo cũng có sự coi trọng và có sự phát hiện người tài kịp thời cũng như thực hiện những chính sách đột phá để thu hút người tài phục vụ địa phương. Nhiều nơi trên cả nước từng thực hiện thí điểm một số chính sách mang tính “vượt trội” song hiệu quả chưa như mong đợi, chưa sử dụng người tài đúng lúc, đúng chỗ.

Hiện nay, việc ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là rất cần thiết để thể chế hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW. Theo đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm khả thi, đồng bộ, tạo cơ hội, điều kiện, động lực cho đội ngũ trí thức phát triển toàn diện, nâng cao năng lực, trình độ và cống hiến cho đất nước, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, lĩnh vực mới; có chính sách đặc thù phù hợp với hoạt động của đội ngũ trí thức để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển. Thực hiện chính sách khuyến khích, đãi ngộ thật sự xứng đáng đối với các trí thức tinh hoa, tài ba, nhất là chính sách tuyển dụng, chính sách tiền lương…, hướng tới các nhà khoa học giỏi, có trình độ chuyên môn cao, có tâm huyết với đất nước và nhân dân.

Tiếp theo, cần tạo đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài trong các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học; trong đó, cần tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và một số cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu trọng điểm ngang tầm các nước tiên tiến, có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu, đóng góp của đội ngũ trí thức. Ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực nước ngoài đầu tư phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, các quỹ đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Có cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ, văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Một trong những giải pháp quan trọng mang tính đột phá để giải phóng tiềm năng sáng tạo, phát huy tối đa trí tuệ và tâm huyết của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới đất nước giai đoạn tới là cần xây dựng được môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh với việc thực sự tôn trọng trí thức, bảo đảm môi trường tự do học thuật, bảo đảm dân chủ và liêm chính trong khoa học. Chính môi trường văn hóa lành mạnh sẽ tạo điều kiện cho các trí thức được học tập, nghiên cứu, làm việc và ứng dụng các phát minh, sáng chế khoa học một cách hiệu quả nhất để phục vụ con người; qua đó đội ngũ trí thức ngày càng phát huy đạo đức khoa học và trách nhiệm xã hội của mình, hướng tới phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại ngày càng tốt hơn. Tạo điều kiện và khuyến khích đội ngũ trí thức tham gia đóng góp ý kiến, tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với việc hoạch định chính sách, xây dựng và triển khai các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, công trình, dự án quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.

Ngoài ra, cần quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và nâng cao cơ hội tiếp cận với việc đào tạo, bồi dưỡng, học tập và làm việc cho những nữ trí thức, những trí thức công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trí thức công tác trong lực lượng vũ trang, trí thức là người đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các trí thức tại các khu vực, ngành, nghề khác nhau cũng như bảo đảm sự công bằng và tiến bộ xã hội. Cùng với đó, việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận cũng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng bởi đây chính là nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai, góp phần phát triển bền vững đất nước.

(1) Theo nội dung bia Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) do Thân Nhân Trung soạn.

(2) Xem văn bản “Chiếu cầu hiền” của vua Quang Trung (khoảng năm 1788 - 1789).

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tập 10, trang 376 - 378.

Chuyên đề