Ảnh minh họa |
Bộ Y tế cho biết, sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá VII và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng về chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là tăng tuổi thọ và thực hiện thành công nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Năm 2015, tuổi thọ trung bình của người dân đạt 73,3 tuổi. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm còn 14,7 ‰ và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn khoảng 14,1%. Việt Nam cũng đã kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm, ngăn chặn không để dịch xâm nhập và không để dịch lớn xảy ra; được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận đạt tiêu chuẩn cơ quan quản lý quốc gia về vắc xin; đồng thời đã phát triển được nhiều kỹ thuật cao, công nghệ mới trong lĩnh vực khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong việc cải thiện các chỉ số sức khỏe, kiểm soát bệnh tật và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cụ thể, theo Bộ Y tế, chất lượng sống của người dân còn hạn chế do bệnh tật. Người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống, nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, trong 10 quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và tuổi thọ phụ nữ Việt Nam đứng thứ hai, tuy nhiên số năm sống có bệnh tật lại cao so với các nước. Mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống với bệnh tật vì vậy ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh.
Thêm vào đó, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm. Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2012 cả nước có khoảng 520.000 ca tử vong các loại trong đó 73% là tử vong là do bệnh không lây nhiễm, tức là cứ 10 người chết thì có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm chủ yếu là các bệnh tim mạch (33%), ung thư (18%), đái tháo đường (3%) và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (7%).
Môi trường sống ở Việt Nam nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng bởi các chất thải sinh hoạt, sản xuất, bên cạnh đó ở một số vùng khó khăn nhiều hộ gia đình còn chưa tiếp cận được với các điều kiện vệ sinh cơ bản như nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh… Các vấn đề này đã tác động trực tiếp đến sức khoẻ của mỗi người dân và cộng đồng. Ngoài những nguyên nhân khách quan thì còn có yếu tố chủ quan là ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của người dân còn hạn chế. Nhiều hành vi có lợi cho sức khỏe chưa được người dân quan tâm và thực hiện thường xuyên dẫn đến nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và gia tăng các bệnh tật. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, hạn hán, bão lụt… ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều cộng đồng dân cư, góp phần làm gia tăng các trường hợp nhập viện.
Ngoài ra, công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm còn bất cập…
Xuất phát từ các lý do nêu trên, theo Bộ Y tế, việc ban hành Luật về dự phòng và kiểm soát bệnh tật là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Mục tiêu của chính sách nhằm nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Cụ thể, khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm; hoàn thiện thể chế về phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo hướng sửa đổi, bổ sung các quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm, kiểm dịch y tế biên giới, an toàn sinh học, công bố dịch; quản lý sức khỏe cho tất cả người dân.