Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình trước Quốc hội. |
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình thêm một số nội dung được đại biểu nêu.
Về chính sách thu ngân sách, Bộ trưởng nói, trong thời gian vừa qua, do điều kiện kinh tế khó khăn nên đã sử dụng chính sách tài khóa rất linh hoạt, tập trung vào điều chỉnh chính sách thu để đảm bảo khuyến khích phát triển sản xuất trong nước.
"Giờ nhìn lại chúng ta thấy chính sách miễn giảm quá nhanh, nhanh hơn so với lộ trình, nhanh hơn so với chiến lược thuế đã được duyệt" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cụ thể, thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm từ 25% xuống 22% và phổ thông là 20%, trong khi yêu cầu đến năm 2020 mới xuống 20%.
Rồi, để khuyến khích đầu tư thì Việt Nam cũng có nhiều chính sách về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn 4 năm, giảm 9 năm... Rồi rất nhiều chính sách miễn, giảm đối với những vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn và doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ cao. Thuế thu nhập cá nhân cũng điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế từ 4 triệu lên 9 triệu.
Chúng ta miễn, giảm thuế rất nhanh, đã giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 1% GDP, giảm tỷ lệ động viên - Bộ trưởng thêm một lần nhấn mạnh về tốc độ giảm thuế.
Về chi ngân sách, thừa nhận thực trạng được đại biểu nêu là rất đúng, Bộ trưởng Bộ Tài chính mong Quốc hội ủng hộ, đồng tình theo hướng không ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước và "phải gác cửa việc này".
Trở lại vấn đề được đại biểu nêu là nợ công và bội chi cao, Bộ trưởng Dũng phân trần rằng 3, 4 năm nay GDP không đạt theo kế hoạch cho nên số tương đối về bội chi, số tương đối về nợ công tăng nhanh.
Và đúng ra theo Luật ngân sách nhà nước khi GDP đã không đạt như thế thì để quản lý bội chi và quản lý nợ công phải cắt giảm chi tiêu.
Nhưng, theo Bộ trưởng thì sau khi Quốc hội đã thông qua dự toán về ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương hàng năm rồi thì rất khó có thể cắt được ở địa phương. Vì thế, Bộ trưởng cho rằng phải đi vào các giải pháp sâu hơn và căn cơ hơn chính là phải tập trung tiết kiệm chi.
"Các đồng chí đại biểu nói rất đúng. Nhiều định mức, nhiều chính sách hiện nay rất lỗi thời, cần phải sửa, cần đẩy mạnh việc khoán chi và đặc biệt chi thường xuyên là phải đẩy mạnh khoán" - Bộ trưởng nói.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh giải pháp sắp xếp lại tổ chức bổ máy và tinh giản biên chế thì mới giải quyết được vấn đề về tiền lương. "Bây giờ có cắt cái gì thì vẫn cắt nhưng biên chế cứ phình ra, tổ chức cứ phình ra thì không thể nào cơ cấu lại được ngân sách, không thể nào giảm chi thường xuyên được" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thêm một lần khẳng định ý kiến của đại biểu là rất đúng, nhưng Bộ trưởng cho rằng cần có sự phối hợp, cần có sự chỉ đạo đồng bộ của các cấp, các ngành cùng phải thực hiện, cùng phải triển khai hiệu quả thì ngân sách nhà nước mới từng bước, từng bước đưa về tình hình lành mạnh hơn hiện nay.