Ảnh Lê Tiên |
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 diễn ra sáng nay (16/1) tại Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mỗi năm đều có những khó khăn, thách thức và yếu tố thuận lợi riêng nhưng chúng ta cần kiên định lập trường cải cách, đổi mới, vươn lên, sẵn sàng ứng phó với những biến động, củng cố sự vững vàng, độc lập, tự chủ của nền kinh tế để hướng tới mục tiêu thịnh vượng, bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, cần phải có cả bứt phá trong hiệu quả quản trị nhà nước; nâng cao hiệu quả thực thi chính sách ở mọi cấp, mọi ngành, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Khắc phục căn bản tình trạng “trên nóng dưới lạnh” và “kinh tế 4.0 nhưng quản lý mới 1.0”.
Ảnh: Lê Tiên
Bộ trưởng nhấn mạnh năm 2019 phải tận dụng bằng được các cơ hội đem lại, dù là nhỏ nhất để phát triển bứt phá. Đó là đà tăng trưởng kinh tế tích cực đã có được 2 năm qua; các ngành, lĩnh vực, địa phương đang có xu thế tăng trưởng tốt; nhiều quyết sách tiếp tục phát huy hiệu quả. Cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là về công nghệ, kỹ thuật, quản lý. Làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư toàn cầu dự báo tiếp tục chảy về khu vực năng động, trong đó, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn, chúng ta cần chuẩn bị tốt mọi điều kiện để đón nhận có chọn lọc và đẩy mạnh sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Tiến trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của nước ta còn nhiều dư địa và ngày càng được đẩy mạnh. Niềm tin của người dân, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng được củng cố.
Tiếp theo phải kiên định mục tiêu, giải pháp ngắn hạn và dài hạn nhằm hướng tới đạt được sự phát triển bứt phá không chỉ cho năm 2019 mà còn nhiều năm tiếp theo; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một nước có mức thu nhập trung bình cao, thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, tiến bộ và công bằng về xã hội; đẩy mạnh hơn nữa cải cách, đổi mới, sáng tạo...
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chỉ rõ một số bứt phá trọng tâm. Đầu tiên, phát triển bứt phá về lực lượng sản xuất, trọng tâm là phát triển mạnh khu vực tư nhân, nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn lực gắn liền với đổi mới, sáng tạo, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng.
Đồng thời, gia tăng tốc độ bứt phá của tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và tiến trình thực hiện 3 đột phá chiến lược, trọng tâm là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu trong từng ngành, lĩnh vực và cơ cấu đầu tư công, tạo điều kiện để thực hiện hiệu quả đột phá về hạ tầng, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trên nền tảng hiệu quả của hợp tác đối tác công - tư.
Bứt phá quan trọng khác là phải nhanh chóng hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo gắn liền với ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bứt phá của các cực tăng trưởng, các địa phương đầu tàu của cả nước, trọng tâm là hai thành phố lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; 4 vùng kinh tế trọng điểm; phát triển nhanh các ngành mũi nhọn trên nền tảng công nghệ 4.0 gắn kết với thị trường quốc tế.