Bộ Tài chính sẽ “nghiên cứu lại” đề xuất áp chung thuế xuất khẩu 5% với phân bón

0:00 / 0:00
0:00
Trước phản hồi trái chiều về đề xuất thống nhất áp một mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón, Bộ Tài chính cho biết sẽ nghiên cứu trình Chính phủ phương án phù hợp hơn...
Giá các loại phân bón thị trường trong nước liên tục tăng cao.
Giá các loại phân bón thị trường trong nước liên tục tăng cao.

Bộ Tài chính cho biết, trước những phản hồi trái chiều về đề xuất quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón, không phân biệt tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong các sản phẩm, bộ này sẽ nghiên cứu, tổng hợp ý kiến của Hiệp hội phân bón Việt Nam cũng như các bộ, ngành, địa phương để trình Chính phủ phương án thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón cho phù hợp.

Theo Bộ Tài chính, thời gian gần đây, giá cả nguyên liệu sản xuất phân bón trên thị trường thế giới liên tục tăng mạnh do tình hình căng thẳng giữa Nga – Ukraine cùng diễn biến dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng trong khi nhu cầu sử dụng ở mức cao.

Cùng với đó, nhiều quốc gia hạn chế việc xuất khẩu phân bón để giữ lại nguồn cung cho thị trường nội địa.

Đối với thị trường trong nước, theo báo cáo của Tập đoàn hóa chất Việt Nam, giá phân bón đang biến động rất mạnh, liên tục tăng cao, trong khi hầu hết nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón trong nước phải nhập khẩu và các loại nguyên liệu này tăng giá mạnh trong thời gian qua.

Thêm vào đó, tình trạng khan hiếm container rỗng và thiếu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất như thiếu quặng apatit tuyển để sản xuất phân bón NPK cũng góp phần đẩy giá mặt hàng phân bón tăng cao.

Cũng theo Bộ Tài chính, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành quy định mặt hàng phân bón có khung thuế suất thuế xuất khẩu từ 0 - 40%.

Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón (trừ mặt hàng phân bón hữu cơ), không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.

Theo đó, để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh gian lận trong quá trình thực hiện, căn cứ khung thuế suất quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 tại Biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.

Cụ thể, đối với loại phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm sẽ có mức thuế suất thuế xuất khẩu tăng từ 0% lên 5%.

Đối với mặt hàng phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế suất thuế xuất khẩu 5% như hiện hành.

Riêng đối với phân bón thuộc nhóm 31.01 là phân bón hữu cơ, không sử dụng tài nguyên khoáng sản, Bộ Tài chính trình Chính phủ giữ mức thuế suất thuế xuất khẩu là 0% như hiện hành.

Đồng thời, do mức thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng phân bón được quy định cụ thể tại Biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản được sử dụng như hiện hành, Bộ Tài chính trình Chính phủ bãi bỏ khoản 4 Điều 4 Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

"Thực hiện phương án này sẽ góp phần giữ lại nguồn phân bón cho sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón đang có xu hướng tăng cao, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp", Bộ Tài chính nhìn nhận.

Đồng thời, giảm bớt thủ tục hành chính do việc doanh nghiệp và cơ quan hải quan phải xác định tỷ lệ tài nguyên khoáng sản chiếm trong sản phẩm như quy định hiện hành, thống nhất về thuế xuất khẩu với các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thực hiện theo phương án này sẽ góp phần tăng thu ngân sách từ phân bón xuất khẩu. Tuy nhiên, thực hiện phương án này dự báo cũng sẽ có một số ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất phân bón. Số tăng thu từ thuế xuất khẩu này có thể giảm xuống nếu như lượng phân bón sản xuất ra được sử dụng tiêu thụ nội địa.

Tuy nhiên, góp ý về dự thảo này, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, nếu áp dụng chính sách này, hai mục đích trên của Bộ Tài chính không những không đạt được mà còn khiến những nhà sản xuất phân bón NPK gánh chịu thiệt hại nhiều nhất do sản phẩm NPK sản xuất trong nước đang dư thừa công suất. Đồng thời, gây suy giảm năng lực cạnh tranh với sản phẩm cùng loại đến từ các quốc gia khác.

Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 4,54 triệu tấn phân bón, tăng 19,4% về khối lượng, tăng 52,6% về kim ngạch và tăng mạnh 27,8% về giá so với năm 2020. Trong đó, Trung Quốc là thị trường chủ đạo cung cấp phân bón các loại cho Việt Nam, chiếm 44,5% trong tổng lượng và chiếm 42% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 2,02 triệu tấn, tăng cả lượng, kim ngạch và giá so với năm 2020, với mức tăng tương ứng 27,3%, 65,6% và 30%.

Về xuất khẩu, năm 2021, nước ta xuất khẩu 1,35 triệu tấn phân bón, tăng 16,4% về khối lượng, tăng 64,2% về kim ngạch và giá cũng tăng đột biến 41,2% so với năm 2020. Campuchia là thị trường tiêu thụ phân bón của Việt Nam nhiều nhất, chiếm tới 40,2% trong tổng lượng và chiếm 37,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.

Chuyên đề