Nếu hình thức chỉ định thầu được áp dụng ngay từ đầu năm 2022, việc lựa chọn nhà thầu cho các dự án đường bộ cao tốc, nhất là cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 có thể hoàn thành trong năm 2022. Ảnh: Lê Tiên |
Theo quy định pháp luật hiện hành về đấu thầu, gói thầu tư vấn trên 500 triệu đồng, gói thầu xây lắp trên 1 tỷ đồng phải tổ chức đấu thầu rộng rãi. Theo đó, các gói thầu tư vấn, gói thầu hỗ trợ đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng, gói thầu xây lắp của các dự án đầu tư công thuộc Chương trình đều thuộc đối tượng đấu thầu rộng rãi. Chỉ có gói thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật do một đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; gói thầu rà phá bom, mìn, vật nổ để chuẩn bị mặt bằng thi công xây dựng công trình được chỉ định thầu.
Việc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu chỉ được thực hiện khi gói thầu có các yếu tố đặc biệt và không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định từ Điều 20 đến Điều 25. Do đó, việc lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn, phục vụ công tác đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án thuộc Chương trình không thể áp dụng theo Điều 26.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo rà soát, đánh giá, việc chỉ định thầu có thể rút ngắn được thời gian lựa chọn nhà thầu từ 6 - 12 tháng so với hình thức đấu thầu rộng rãi. Nếu được áp dụng ngay từ đầu năm 2022, việc lựa chọn nhà thầu cho các dự án đường bộ cao tốc, nhất là cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 có thể hoàn thành trong năm 2022, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Ngày 11/1/2022, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Tại Điều 5 của Nghị quyết cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, cho phép Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Theo các chuyên gia, việc thông qua cơ chế đặc thù này là trường hợp đặc biệt, áp dụng trong điều kiện thực tế chưa từng có tiền lệ. Việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định và thông qua cho phép áp dụng thí điểm trong 2 năm 2022 - 2023 và chỉ áp dụng cho đối tượng dự án thuộc Chương trình là phù hợp chủ trương và đúng thẩm quyền của Quốc hội.
Tại Khoản 3 Điều 7 của Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội giao Kiểm toán Nhà nước tổ chức thực hiện kiểm toán hằng năm việc tổ chức thực hiện Chương trình, bảo đảm thực hiện nhanh, hiệu quả, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối các năm 2022, 2023 và kỳ họp giữa năm 2024. Quy định này đã góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực, xin - cho, lợi ích nhóm... khi triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù này.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia về đấu thầu cho biết, việc chỉ định thầu sẽ rút ngắn được thời gian trong đấu thầu, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân dự án đầu tư công. Nếu quá trình triển khai cơ chế đặc biệt này được áp dụng đồng thời cơ chế tiết kiệm khi chỉ định thầu thì sẽ hợp lý hơn, tiết kiệm hơn cho ngân sách nhà nước. Số tiền tiết kiệm từ cơ chế chỉ định thầu có thể được sử dụng để thưởng nhà thầu thực hiện vượt tiến độ thời gian từ 3 tháng trở lên. Điều này sẽ góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho gói thầu, vừa khuyến khích nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện.