Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP |
Như tin đã đưa, ngày 25/10, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg, đến nay Bộ đã hoàn thành 41 văn bản; 8 văn bản còn lại, Bộ đang xây dựng tích hợp còn 4 văn bản. Đây là các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Trong tổng số 345 điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%), trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện.
Bộ tiếp tục tổ chức rà soát đối với 508 thủ tục hành chính (TTHC) còn hiệu lực và đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 TTHC (chiếm 56,5 %), gồm bãi bỏ 81 TTHC, đơn giản hóa 205 TTHC.
Bộ đã rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa 18/40 TTHC kiểm tra chuyên ngành (KTCN) (đạt tỉ lệ 45%) theo hướng hợp nhất thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm và thủ tục kiểm dịch; nhập 2 thủ tục đăng ký kiểm dịch và khai báo kiểm dịch.
Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải quy định rõ về thời gian, hồ sơ, trình tự, thủ tục theo hướng tinh gọn, giảm thiểu chi phí, thời gian thực hiện. Thời gian KTCN đã được rút ngắn như kiểm tra lô hàng thủy sản xuất khẩu, thời gian rút ngắn từ 5-7 ngày làm việc xuống còn 8 giờ/lô hàng, trong khi kiểm dịch thực vật đã rút ngắn thời gian giải quyết từ 24 giờ xuống còn không quá 4 giờ đối với hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường hàng không và không quá 10 giờ đối với đường biển.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đang chỉ đạo áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, giảm phương thức kiểm tra trước và giảm hợp lý dung lượng lấy mẫu kiểm định, kiểm nghiệm; kiểm tra theo tần suất dựa trên mức độ tuân thủ của DN; thừa nhận kết quả kiểm tra của quốc gia đối tác… Bộ NN&PTNT đã thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm các mặt hàng phải KTCN, về cơ bản hiện nay không có tình trạng độc quyền.
Phương án đơn giản hóa các TTHC liên quan đến KTCN nêu trên đã góp phần tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Chỉ tính riêng hoạt động kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật giảm khoảng 654,4 tỷ đồng (ước tính cắt giảm 108.524 ngày công, chiếm tỷ lệ cắt giảm là 66,7%); kiểm dịch thực vật giảm khoảng 178,1 tỷ đồng.
Bộ NN&PTNT cũng đề xuất và dự kiến các giải pháp khắc phục đối với nhóm hàng có chồng chéo KTCN theo hướng đề nghị Chính phủ xem xét giao một Bộ đầu mối chủ trì, chịu trách nhiệm. Đồng thời kiên quyết bố trí hợp lý đối với các nhóm hàng chịu sự KTCN.
Thời gian tới, Bộ tiếp tục rà soát để xem xét cắt bỏ 1 lệ phí: Lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật (tiết kiệm chi phí khoảng 9,5 tỷ đồng/năm).
Trong 9 tháng đầu năm, các đơn vị thuộc Bộ đã tiếp nhận qua Cổng một cửa quốc gia tổng số 107.070 hồ sơ; xử lý, giải quyết 101.656 hồ sơ (đạt tỉ lệ 95%); đang tiếp tục xử lý 5.414 hồ sơ. Mục tiêu Bộ NN&PTNT đặt ra là đến năm 2018 cơ bản các TTHC liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh hàng hóa và khoảng 80% hồ sơ thuộc lĩnh vực Bộ NN&PTNT quản lý sẽ thực hiện theo Cơ chế Một cửa quốc gia.
Bộ cũng kiến nghị tạo điều kiện để Bộ đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động kiểm nghiệm kiểm chứng phục vụ hoạt động KTCN. Cho ý kiến định hướng về xây dựng, ban hành Nghị định của Chính phủ sửa đổi các Nghị định để thực hiện cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và đơn giản hóa TTHC theo trình tự, thủ tục rút gọn để nhanh chóng đưa các đề xuất của Bộ được triển khai thực hiện trong thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP
Bộ NN&PTNT nhận thấy vấn đề tiếp tục hoàn thiện thể chế, đột phá trong cải cách hành chính, đề ra các giải pháp căn cơ để phát triển cho năm 2017 và những năm tiếp theo… không chỉ là yêu cầu của Thủ tướng mà còn là nhu cầu tự thân của Bộ phải làm. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, Bộ đã ra nghị quyết chuyên đề, phân công trực tiếp một thứ trưởng phụ trách và hằng tháng đều có họp về nội dung này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, không phải chỉ cắt giảm thủ tục, mà bộ máy cũng cần chấn chỉnh lại để thích ứng với yêu cầu mới, tiếp đó mới đến công tác kỹ thuật, quản lý chuyên ngành.
Đối với hai vấn đề Thủ tướng lưu ý Bộ NN&PTNT về tình trạng chặt phá rừng và khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản, Bộ trưởng cho rằng đây là lĩnh vực rất lớn. Do đó, toàn bộ hệ thống ngành nông nghiệp tới đây sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, tham mưu để quản lý thật tốt, chặt chẽ hai lĩnh vực này.
Kết luận buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đánh giá cao báo cáo của Bộ NN&PTNT, đồng thời tiếp thu các ý kiến của lãnh đạo các bộ ngành, hiệp hội. Tổ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là cắt giảm những gì cần phải cắt giảm nhất, chứ không có nghĩa là mở cửa tung ra. Những gì không bảo đảm, liên quan tới sức khỏe con người, quốc phòng an ninh, môi trường thì vẫn phải quản lý chặt chẽ. Việc đổi mới phải trên quan điểm là tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị nguyên tắc đổi mới trong thủ tục KTCN là rà soát toàn bộ danh mục hàng hóa được công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, gắn mã HS, không được để cơ quan nhà nước KTCN bằng hình thức cảm quan, tạo hiện tượng tiêu cực. Phải có quy trình và công nhận lẫn nhau, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, quản lý rủi ro. Bên cạnh đó, phải công bố kỹ hơn, rõ hơn đồng thời giảm danh mục hàng hóa và giảm cả hàng hóa phải KTCN.
Đối với những hàng hóa có sự kiểm tra chồng chéo giữa các bộ hay giữa các đơn vị trong bộ, chỉ giao một bộ chủ trì. Về ý kiến của doanh nghiệp đối với quy định sử dụng i-ốt của Bộ Y tế, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tới để làm rõ vấn đề này.
Đối với các kiến nghị về một nghị định sửa nhiều nghị định, tăng cường kết nối một cửa quốc gia, một cửa ASEAN của Bộ NN&PTNT…, Tổ trưởng Tổ công tác cho rằng các kiến nghị này là “hoàn toàn trúng” và cần tập trung thực hiện. Còn việc đầu tư trung tâm kiểm nghiệm, KTCN theo hướng xã hội hóa là chính. Từ đó, sẽ có cơ chế để các cơ quan Nhà nước sử dụng các thông tin, kết quả kiểm định để cấp phép.