Bộ KH&ĐT tập huấn một số nội dung của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018

(BĐT) - Sáng ngày 19/12/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổ chức lớp tập huấn quán triệt một số nội dung của Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 cho công chức, viên chức thuộc Bộ.
Các công chức và viên chức của Bộ KH&ĐT đã được TS. Đinh Văn Minh giới thiệu các nội dung chủ chốt, quan trọng của Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14.
Các công chức và viên chức của Bộ KH&ĐT đã được TS. Đinh Văn Minh giới thiệu các nội dung chủ chốt, quan trọng của Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14.

Hoạt động này nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT về việc triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống tham nhũng năm 2019; Kế hoạch triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 và Kế hoạch tuyên truyền về phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021 và năm 2019 của Bộ KH&ĐT.

Tham dự lớp tập huấn có ông Lương Văn Kết, Chánh Thanh tra Bộ KH&ĐT, TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Thanh tra Chính phủ và đông đảo lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức thuộc các đơn vị của Bộ KH&ĐT.

Tại lớp tập huấn, TS. Đinh Văn Minh đã giới thiệu các nội dung chủ chốt, quan trọng của Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 với 4 nội dung lớn gồm: công khai, minh bạch trong hoạt động của đơn vị; những việc công chức, viên chức không được làm; chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng; xung đột lợi ích trong thực thi công vụ.

Theo TS. Đinh Văn Minh, Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 với nhiều quy định mới và rất cụ thể. Tuy nhiên, có một điều xuyên suốt là việc công khai, minh bạch thông tin chính là công cụ và phương thức hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng. Có nhiều hình thức để công khai thông tin như: công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; niêm yết tại trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân...

Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 cũng quy định các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân phải có trách nhiệm giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Người thực hiện trách nhiệm giải trình là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình.

Chuyên đề