Bộ Công Thương nói về tình trạng thiếu vỏ container xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
Về tình trạng thiếu vỏ container xuất khẩu, trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, liên tục thời gian gần đây, Cục đã nhận được phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp về tình trạng thiếu vỏ cũng như việc các hãng tàu tăng giá cước chưa từng có.
Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp vận tải phải chia sẻ khó khăn về giá, phí vận chuyển
Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp vận tải phải chia sẻ khó khăn về giá, phí vận chuyển

Có những chuyến đi Bắc Âu, giá cước vượt đến 10.000 USD/container là điều không chấp nhận được. Nhất là mới chỉ cách đây 4-6 tháng, giá cước vẫn ở mức rất thấp. Thậm chí có hãng còn phát giá bằng 0.

Theo ông Hải, nguyên nhân gây sốt giá cũng do dịch COVID-19. Trong đó, các nước tập trung mua hàng từ các nước Đông Á gây nên tình trạng các luồng hàng đi từ Đông Á thì nhiều nhưng nguồn về ít hơn. Việc container rỗng tồn đọng ở các nước đi kèm tình trạng đóng cửa, giãn cách xã hội mà không đưa được vỏ container.

“Cục Xuất nhập khẩu sẽ phối hợp với Cục Hàng hải báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ GTVT và báo cáo Chính phủ vì đây là vấn đề tác động mạnh đến xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp vận tải biển hoạt động kinh doanh, thu lợi tại Việt Nam cũng phải có trách nhiệm chia sẻ và góp phần phát triển kinh tế Việt Nam. Trong đó có việc chia sẻ khó khăn về giá, phí vận chuyển”, ông Hải nói.

Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, thời điểm cuối năm các ngành nông, thủy sản đang vào mùa giao cao điểm giao dịch và giao hàng từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau nên lượng xuất khẩu hàng rất lớn. Các doanh nghiệp gạo những ngày qua cũng có phản ánh về việc hàng đã sẵn sàng nhưng phải chờ đợi hãng tàu thông báo tập kết mới được xuất đi, thời gian giao hàng bị chậm lại từ 7 đến 20 ngày do thiếu vỏ container. Các doanh nghiệp cà phê ngoài khoản cước phí đang phải trả cao gấp đôi so với những tháng bình thường còn phải trả các khoản phí trong mùa cao điểm cho hãng tàu. Tương tự, các doanh nghiệp xuất khẩu điều và chè phản ánh không xuất khẩu được sang các thị trường chủ lực khi cước phí tăng gấp 6-7 lần.

“Nhiều hãng tàu thông báo cắt dịch vụ trên một số trạm và chưa có kế hoạch cho năm 2021. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu container và nhân lực xử lý hàng hóa, đẩy giá thuê container lên cao. Chính vì thế không chỉ VASEP mà các ngành hàng khác cũng đang khuyến cáo doanh nghiệp có kịch bản ứng phó kịp thời để giảm thiệt hại”, Bộ Công Thương cho hay.

Bộ Công Thương cho hay, các cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ đang tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu nhằm thúc đẩy xuất khẩu, tạo thuận lợi và hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics. Bộ Công Thương cũng khuyến khích các doanh nghiệp logistics tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, tăng tính kết nối của các phương tiện vận tải, cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ logistics thông qua ứng dụng số hóa các quy trình hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tháo gỡ khẩn cấp về container cho xuất khẩu nông sản

Ngày 28/12, ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trưởng Nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết, do thiếu hụt container, nên giá thuê container đang cao ngất ngưởng, ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu nông sản.

Theo ông, thông thường giá thuê container đi EU cỡ 1.500-1.800 USD, nhưng nay giá đã lên 8.000-10.000 USD/container. “Hầu hết các tàu vận chuyển quốc tế đều là hãng tàu nước ngoài, nên rất khó can thiệp. Trong bối cảnh này, chỉ có khuyến nghị DN xuất khẩu dùng giá FOB (để các nhà nhập khẩu chịu cước), thay vì giá CIF”, ông Hòa nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng cho biết, thiếu hụt container đã đẩy giá cước lên rất cao, thậm chí có nơi tới 10 lần so với trước đây. “Việc này, chúng tôi kiến nghị phía Bộ GTVT tạo điều kiện, tháo gỡ kịp thời, nếu không tình hình xuất khẩu nông sản, đặc biệt là gỗ và thủy sản sẽ rất căng thẳng”, ông Tiến nói.

Chuyên đề