Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết nằm trong danh sách bị Bộ Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ |
Ngày 28/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ký văn bản gửi UBND TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận về việc cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến thực hiện dự án trên địa bàn thành phố.
Theo đó, thực hiện quyết định của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về việc “Phân công Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an giải quyết nguồn tin về tội phạm” liên quan đến đầu tư, xây dựng các dự án tại tỉnh Bình Thuận có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị UBND TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc thực hiện 9 dự án trên địa bàn, gồm Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết; Khu du lịch dã ngoại phường Mũi Né; Khu du lịch Xuân Quỳnh phường Mũi Né; dự án Sea Links Mũi Né; dự án lấn biển phường Đức Long; dự án đất ở thương mại 92.600,9m2 đất gồm các lô đất sô 18, 19, 20 phường Phú Hài; dự án Khu liên hợp hồ điều hòa, chỉnh trang đô thị và dịch vụ thương mại Hưng Long phường Hưng Long; dự án Trường mầm non Lê Quý Đôn phường Phú Thủy; dự án xây kè chống xâm thực biển, phường Đức Long.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn đề nghị cung cấp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP. Phan Thiết; lý lịch trích ngang, phân công chức năng, nhiệm vụ của lãnh đạo UBND TP. Phan Thiết và cán bộ qua các thời kỳ trong việc chỉ đạo, tham mưu, thực hiện các dự án trên.
Cùng với đó, cung cấp hồ sơ, tài liệu tham gia phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh Bình Thuận thực hiện các dự án; các tờ trình của UBND TP. Phan Thiết và các quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ năm 2011 đến nay.
Bộ Công an yêu cầu, hồ sơ, tài liệu cung cấp đề nghị đóng dấu xác nhận của UBND TP. Phan Thiết và gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra (phòng C4/C01), trước ngày 2/8.
Dự án Sea Links Mũi Né nằm trong danh sách bị Bộ Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ |
Trước đó, vào ngày 21/8/2020, TAND tỉnh Bình Thuận đã tuyên án đối với 6 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ TP. Phan Thiết trong vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại địa phương này.
Với bị cáo Đỗ Ngọc Điệp, nguyên Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết được xác định là người trực tiếp ký 32 quyết định cho phép chuyển mục đích trái pháp luật, với diện tích hơn 46.000m2, tổng giá trị quyền sử dụng đất 4,7 tỷ đồng. Hội đồng xét xử cho rằng trong suốt quá trình điều tra, xét xử, bị cáo Điệp đã thành khẩn khai báo, bị cáo và gia đình có nhiều đóng góp cho xã hội nên tuyên phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Đối với bị cáo Trần Hoàng Khôi, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết, Hội đồng xét xử cho rằng bị cáo đã ít nhiều hợp tác khai báo trong quá trình điều tra, xét xử nhưng vẫn chưa thành khẩn trong khai báo, còn quanh co chối tội. Bị cáo là người trực tiếp ký 100 quyết định cho phép chuyển mục đích trái pháp luật, với diện tích hơn 12,4ha, tổng giá trị quyền sử dụng đất hơn 8,6 tỷ đồng. Tòa tuyên án bị cáo Khôi 4 năm tù giam.
4 bị cáo còn lại bị kết án, gồm Phạm Thanh Thái (nguyên Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường TP.Phan Thiết) 3 năm 6 tháng tù giam, Lê Hoàng Anh Tân (nguyên chuyên viên Phòng Tài nguyên Môi trường TP. Phan Thiết) 2 năm 6 tháng tù, Lê Hồ Khải (nhân viên hợp đồng phòng Tài nguyên Môi trường TP. Phan Thiết) 3 năm tù, Nguyễn Trí (nguyên chuyên viên Phòng Tài nguyên Môi trường TP. Phan Thiết) bị tuyên phạt 9 tháng tù, cho hưởng án treo.
Đến cuối tháng 9/2020, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM có kháng nghị gửi TAND cùng cấp đề nghị xét xử phúc thẩm theo hướng không cho hưởng án treo đối với nguyên Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết Đỗ Ngọc Điệp trong vụ án sai phạm quản lý đất đai này.