Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã đến năm 2030, trong đó khuyến khích địa phương tự đề xuất sáp nhập phù hợp thực tiễn.
Bộ Chính trị khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính tinh gọn, phù hợp với thực tiễn. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Bộ Chính trị khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính tinh gọn, phù hợp với thực tiễn. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Theo đó, Bộ Chính trị kết luận, việc sắp xếp thời gian qua đã giảm đáng kể số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước…

Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn chưa thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư; chất lượng đô thị chưa được bảo đảm do sáp nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị; việc sắp xếp, xử lý các trụ sở làm việc dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính còn bất cập; việc thực hiện các chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp chưa kịp thời.

Vì vậy, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37 năm 2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; tổng kết những vấn đề đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng trong giai đoạn 2019 - 2021 để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thực hiện hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị; xác định rõ đối tượng, lộ trình sắp xếp và phải bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân.

Bộ Chính trị khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính tinh gọn, phù hợp với thực tiễn địa phương (kể cả các đơn vị hành chính đã bảo đảm tiêu chuẩn).

Đồng thời, không bắt buộc thực hiện sắp xếp (trừ trường hợp địa phương có nhu cầu sắp xếp) đối với các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn trước, ổn định từ lâu, có vị trí biệt lập, có các yếu tố đặc thù và các đơn vị hành chính nông thôn đã được quy hoạch thành đơn vị hành chính đô thị.

Bộ Chính trị lưu ý, căn cứ tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, đặc thù vùng miền để tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Theo đó, đến năm 2025, toàn quốc hoàn thành sáp nhập huyện, xã có dân số và diện tích dưới 70% quy định; huyện diện tích dưới 20%, dân số dưới 200% quy định; xã diện tích dưới 20% và dân số dưới 300% quy định.

Năm 2030, toàn quốc hoàn thành sáp nhập huyện, xã còn lại có diện tích và dân số dưới chuẩn; huyện diện tích dưới 30% và dân số dưới 200% quy định; xã diện tích dưới 30% và dân số dưới 300% quy định.

Tiêu chuẩn của huyện miền núi, vùng cao là dân số 80.000 người và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450 km2; quận từ 35 km2 với dân số ít nhất 150.000 người. Quy mô dân số của xã là 5.000 người đến 8.000 người trở lên, diện tích từ 30 km2.

Bộ Chính trị yêu cầu quy định rõ việc sử dụng và lộ trình sắp xếp số lượng biên chế cán bộ, công chức và số lượng cấp phó của các đơn vị hành chính dôi dư sau sắp xếp; về định mức phân bổ ngân sách đối với các đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Đồng thời, quy định rõ thời gian hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các đơn vị hành chính sau khi thực hiện sắp xếp; về mức hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản cho các địa phương được bổ sung cân đối ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách địa phương phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Chuyên đề