Bình Thuận kiến nghị Thủ tướng đưa dự án thủy điện La Ngâu ra khỏi quy hoạch

0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Bình Thuận kiến nghị Thủ tướng xem xét đưa dự án Thủy điện La Ngâu (huyện Tánh Linh) ra khỏi quy hoạch điện đã duyệt để nhường chỗ cho hồ chứa nước. Trong khi đó, Công ty CP Thuỷ điện La Ngâu đề nghị được tiếp tục triển khai dự án theo đúng quy hoạch được duyệt.
Công trình thủy điện La Ngâu bị “treo” hơn 10 năm do chồng lấn quy hoạch.
Công trình thủy điện La Ngâu bị “treo” hơn 10 năm do chồng lấn quy hoạch.

UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị xem xét điều chỉnh dự án thủy điện La Ngâu tại quy hoạch điện VIII. Trong đó, tỉnh Bình Thuận kiến nghị Thủ tướng ưu tiên xây dựng hồ chứa nước La Ngà 3, xem xét điều chỉnh dự án thủy điện La Ngâu trong danh mục các công trình thủy điện tại dự thảo Quy hoạch điện VIII từ vị trí trong lòng hồ công trình thủy lợi hồ La Ngà 3 (sử dụng nguồn nước trực tiếp từ suối Đa Mi, xây dựng công trình để phát điện) sang vị trí sau công trình thủy lợi hồ La Ngà 3 (sử dụng nguồn nước thủy từ hồ La Ngà 3 để phát điện) với quy mô công suất từ 35-40 MW.

“Việc điều chỉnh vị trí quy hoạch nêu trên vừa tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Bình Thuận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt đầu tư dự án thủy lợi hồ La Ngà 3, triển khai thực hiện đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021-2025, tránh việc chồng lấn quy hoạch phát triển điện và quy hoạch phát triển công trình thuỷ lợi...”, văn bản của tỉnh Bình Thuận nêu.

Văn bản của UBND tỉnh Bình Thuận nêu cho biết, sau khi Thủ tướng có quyết định điều chỉnh dự án Thủy điện La Ngâu trong Quy hoạch phát triển điện VIII như kiến nghị nêu trên, tỉnh này sẽ chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan làm việc với chủ đầu tư dự án thủy điện La Ngâu có phương án xử lý các vấn đề liên quan đến chi phí của chủ đầu tư khi dừng thực hiện dự án thủy điện La Ngâu ở vị trí cũ chuyển sang vị trí mới (sau thủy lợi hồ La Ngà 3) bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp nhà đầu tư theo quy định.

Cũng theo tỉnh Bình Thuận, khi triển khai xây dựng và đưa công trình thủy lợi hồ La Ngà 3 vào hoạt động, những công trình kiến trúc, xây dựng, nhà cửa... trong khu vực lòng hồ sẽ bị ngập, không tiếp tục hoạt động được và phải thực hiện di dời theo quy định; trong đó có công trình thủy điện La Ngâu sẽ bị ngập hoàn toàn trong lòng hồ.

“Các ngành chức năng của tỉnh đã làm việc với chủ đầu tư dự án thủy điện La Ngâu để giải quyết các vấn đề liên quan khi dừng hoạt động dự án do toàn bộ dự án nằm trong vùng ngập của công trình thủy lợi hồ La Ngà 3. Chủ đầu tư dự án thủy điện La Ngâu cơ bản thống nhất không đầu tư thủy điện La Ngâu, tuy nhiên đề nghị cần tính toán đến quyền lợi của nhà đầu tư phù hợp, trong đó có việc bồi thường chi phí đã đầu tư và tỉnh tạo điều kiện để chủ đầu tư đầu tư các dự án khác (không phải thuỷ điện) trên địa bàn. Tỉnh Bình Thuận đang xúc tiến công việc này”- văn bản kiến nghị nêu.

Khu vực dự kiến xây thủy điện La Ngâu.

Khu vực dự kiến xây thủy điện La Ngâu.

Theo bà Ngô Thị Thu Lý, Tổng giám đốc Công ty CP Thuỷ điện La Ngâu cho biết, công trình thủy điện La Ngâu nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, và được cấp phép đầu tư. Thế nhưng, khi dự án đang được triển khai thì năm 2010 phải tạm dừng triển khai để giải quyết chồng lấn quy hoạch với dự án hồ thủy lợi La Ngà 3 nằm trong quy hoạch thủy lợi lưu vực sông La Ngà do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt vào năm 2006. Đến nay, công trình thủy điện La Ngâu bị “treo” hơn 10 năm do chồng lấn quy hoạch.

Theo bà Lý, đến nay doanh nghiệp đã bỏ hàng trăm tỷ đồng vào đầu tư dự án thủy điện La Ngâu nhưng phải tạm dừng triển khai hơn chục năm qua để giải quyết chồng lấn quy hoạch với dự án hồ thủy lợi La Ngà 3. Nếu dự án phải dừng hoạt động sẽ khiến doanh nghiệp thiệt hại rất lớn, và gây những hệ lụy đến nền kinh tế, xã hội, môi trường...

“Chúng tôi đã có nhiều văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Bình Thuận và các bộ ngành đề nghị được tiếp tục triển khai dự án thủy điện La Ngâu vì dự án hợp pháp, đúng quy hoạch và đúng luật. Trường hợp sau này, trong quá trình vận hành mà dự án hồ La Ngà 3 được các cấp thẩm quyền chấp thuận đầu tư thì chúng tôi chấp nhận rủi ro, đóng cửa nhà máy và nhận đền bù theo luật định”, bà Lý nói.

Báo cáo của Hiệp hội năng lượng Việt Nam ngày 28/2/2017 và báo cáo đánh giá tác động môi trường của Viện quy hoạch thủy lợi Miền Nam lập tháng 9/2017 nêu rõ, những tác động tiêu cực ở quy mô vô cùng lớn nhưng việc đầu tư xây dựng hồ La Ngà 3 là không hiệu quả. Cụ thể, trong báo cáo đánh giá của chính nhà thầu tư vấn cho dự án hồ La Ngà 3 là Viện quy hoạch thuỷ lợi miền Nam có nói rõ, việc xây dựng hồ thủy lợi La Ngà 3 thực hiện chuyển nước sang lưu vực khác sẽ làm cho tình hình cung cấp nước của các tỉnh, thành phố thuộc hạ du lưu vực sông Đồng Nai càng trầm trọng hơn nữa. Tổng diện tích xây dựng công trình là 6.600ha, riêng diện tích ngập lòng hồ hơn 2.165ha; di dân gần hơn 600 hộ và gần 3000 người dân đồng bào dân tộc, gồm 4 xã trong đó phải di dời toàn bộ xã La Ngâu; ngập diện tích đất lâm nghiệp 250ha, trong đó rừng đặc dụng bảo tồn Núi Ông là 65ha; ngập trên 11km quốc lộ 55; giảm điện lượng nhà máy thủy điện Trị An khoảng 15 triệu KWh; xâm nhập mặt hạ lưu sông Đồng Nai khu vực TPHCM sâu hơn hiện tại từ 1,3 đến 2,1 km…

Chuyên đề