Vợ chồng ông Phan Chí Lộc tại tòa với tư cách nguyên đơn |
Phiên tòa xét xử phúc thẩm diễn ra hôm (10/7) gây nhiều sự chú ý của dư luận. Nguyên đơn là vợ chồng ông Phan Chí Lộc và Nguyễn Thị Hòa (trú tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), bị đơn VKSND tỉnh Quảng Trị, người tham gia tố tụng là Công an tỉnh Quảng Trị.
Vợ chồng ông Lộc là người đã mang án oan hơn 10 năm. Đến cuối tháng 6/2017, mới được các cơ quan chức năng tại Quảng Trị xin lỗi công khai.
Trước đó, ngày 24/1/2018, Tòa án nhân dân (TAND) TP Đông Hà đã xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, ông Lộc yêu cầu bồi thường oan sai số tiền 32 tỉ đồng (trong đó có ngôi nhà đã bị kê biên trị giá 24,5 tỉ đồng), nhưng chỉ được chấp nhận bồi thường gần 1,4 tỉ đồng.
Ông Phan Chí Lộc nói rằng, vì bị kết án oan mà bao nhiêu tài sản của gia đình ông đều bị tịch thu, kê biên, đẩy gia đình ông vào cảnh khốn cùng. Vợ chồng ông già yếu, bệnh tật.
Ông Lộc tại buổi xin lỗi công khai của cơ quan chức năng. Ông cho rằng vì kết tội oan mà gia đình ông rơi vào cảnh khốn cùng
Luật sư của nguyên đơn phân tích: “Thời điểm ngân hàng bán đấu giá thì ngôi nhà của vợ chồng ông Lộc vẫn đang bị kê biên. Nhưng quy tắc không có tài sản trong tay thì làm sao bán được. Nghĩa là, dù đang kê biên, nhưng cơ quan điều tra đã giao nhà cho ngân hàng. Vì vậy mới có chuyện đấu giá trước, đấu giá rồi sau đó mới hủy kê biên”.
Tuy nhiên, đại diện Công an tỉnh Quảng Trị khẳng định, việc kê biên là đúng và phủ nhận đã giao ngôi nhà cho ngân hàng bán đấu giá.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo, bồi thường và tăng số tiền bồi thường một số khoản cho vợ chồng ông Lộc với tổng số tiền hơn 1,7 tỉ đồng (tăng hơn 300 triệu đồng so với số tiền bồi thường ở phiên xét xử sơ thẩm). Không đồng ý, vợ chồng ông Lộc to tiếng rồi rời khỏi hội trường xét xử khi HĐXX tuyên án.
Năm 2007, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định khởi tố bị can đối với vợ chồng ông Lộc về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và ra lệnh bắt tạm giam bị can Phan Chí Lộc.
Tuy nhiên, quá trình điều tra không đủ cơ sở để kết luận đồng phạm với Phụng và Nhi, hoặc chưa thực hiện hành vi phạm tội. Bằng chứng quan trọng nhất, cho thấy vợ chồng ông Lộc cũng là bị hại nằm ở tờ giấy chuyển tiền với nội dung ông Lộc đã chuyển 7,5 tỉ đồng cho Phụng và Nhi không được xác minh làm rõ, từ đó mới xảy ra vụ việc oan sai nói trên.