Bệnh Cúm mùa và những điều chưa biết

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hàng năm, cứ đến mùa Đông Xuân là các bệnh truyền nhiễm liên quan đến hô hấp lại nổi lên như là có lịch hẹn trước. Cùng với các đợt gió mùa Đông Bắc đầu mùa tràn về (với miền Bắc) và các cơn mưa đầu mùa vào cuối Xuân (với miền Nam) là mùa của một căn bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp rất phổ biến và khá nguy hiểm, đó là bệnh Cúm mùa (khác với bệnh cúm gia cầm).
WHO sẽ đưa ra các hướng dẫn về chủng vi rút Cúm để sản xuất vắc xin phòng Cúm mùa cho các nhà sản xuất vắc xin tuân theo và cung cấp cho thị trường theo thời gian tốt nhất
WHO sẽ đưa ra các hướng dẫn về chủng vi rút Cúm để sản xuất vắc xin phòng Cúm mùa cho các nhà sản xuất vắc xin tuân theo và cung cấp cho thị trường theo thời gian tốt nhất

Nói về bệnh Cúm mùa khá nhiều người trong chúng ta sẽ có một ý nghĩ: “Ồ, có gì quan trọng đâu. Năm nào chả mắc, có khi vài lần và nhẹ không à. Nó đến rồi lại đi thôi”.

Tuy nhiên, một căn bệnh mà chúng ta nghĩ đơn giản như vậy đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người do các biến chứng của bệnh, trong đó có hàng trăm ngàn trẻ em đặc biệt dưới 5 tuổi và người cao tuổi (trên 65 tuổi). Nhóm người có bệnh nền như: tiểu đường, tim mạch, bệnh mạn tính như hen suyễn hoặc nhóm phụ nữ có thai cũng là những nhóm người hay gặp các biến chứng nặng do bệnh Cúm mùa gây ra.

Một căn bệnh tưởng chừng đơn giản nhưng để lại một hậu quả nặng nề cho cá nhân, xã hội, cộng đồng, ngành y tế, doanh nghiệp khi mà cứ đến mùa nhiều bậc cha mẹ phải nghỉ ở nhà chăm con ốm do mắc Cúm, nhiều công sở hoặc nhà máy thiếu nhân lực do nhiều người phải nghỉ do Cúm mùa. Các cơ sở y tế đôi khi bị quá tải khi số bệnh nhân cần chăm sóc đột ngột tăng cao. Theo thống kê vào năm 2016, tại Việt Nam có tới gần 300.000 trường hợp phải nhập viện do nhiễm trùng hô hấp do mắc cúm (*).

Vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phòng tránh bệnh Cúm mùa?

Chúng ta đều biết khi có người mắc cúm là cần cách ly, làm sạch môi trường, khẩu trang… Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để phòng tránh triệt để. Phòng bệnh bằng vắc xin mới là biện pháp hữu hiệu, an toàn nhất.

Khi nhắc đến điều này, một số người có thể sẽ nói: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Thế nhưng, thực tế cho thấy, nhiều người vẫn chưa hiểu được tại sao vắc xin Cúm mùa cần tiêm hàng năm, vắc xin của mỗi năm có sự khác nhau, hay lúc nào là thời điểm tiêm vắc xin tốt nhất?

Theo các chuyên gia dịch tễ, chúng ta cần vắc xin đúng theo mùa Cúm của khu vực chúng ta đang sinh sống và tiêm nhắc lại vắc xin Cúm mùa hàng năm

Theo các chuyên gia dịch tễ, chúng ta cần vắc xin đúng theo mùa Cúm của khu vực chúng ta đang sinh sống và tiêm nhắc lại vắc xin Cúm mùa hàng năm

Bệnh Cúm mùa do vi rút Cúm (thường là 4 chủng từ H1N1, H3N2 và 2 chủng nhóm B) gây ra và nó lan truyền trong cộng đồng với khả năng biến đổi kháng nguyên liên tục (chúng ta sẽ thường xuyên tiếp xúc với vi rút Cúm ”mới”) nhưng theo quy luật nhất định về di truyền. Vì mỗi năm chủng vi rút Cúm lưu hành khác nhau, nên theo các chuyên gia dịch tễ, chúng ta cần vắc xin đúng theo mùa Cúm của khu vực chúng ta đang sinh sống và tiêm nhắc lại vắc xin Cúm mùa hàng năm (1 lần trong năm).

Từ lâu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thiết lập các trạm “quan trắc” vi rút Cúm mùa trên khắp thế giới (có cả ở Việt Nam) để phân lập, xác định vi rút Cúm mùa lưu hành ở các khu vực (các vùng địa lý, khí hậu, Bắc bán cầu và Nam bán cầu…) để từ đó dự đoán, xác định chủng vi rút Cúm sẽ xuất hiện vào mùa Đông Xuân khu vực Bắc bán cầu (từ tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau) và vào mùa Đông Xuân khu vực Nam bán cầu (từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm). Từ việc xác lập được khả năng chủng vi rút cúm nào sẽ hoành hành ở đâu (Bắc và Nam bán cầu), WHO sẽ đưa ra các hướng dẫn về chủng vi rút Cúm để sản xuất vắc xin phòng Cúm mùa cho các nhà sản xuất vắc xin tuân theo và cung cấp cho thị trường theo thời gian tốt nhất (Bắc bán cầu là vào tầm tháng 8 - 9, còn Nam bán cầu là vào tháng 4 - 5 hàng năm). Đó là lý do tại sao chúng ta sống ở Việt Nam lại cần tiêm vắc xin Cúm mùa mỗi năm 01 lần và vào thời điểm trước khi mùa bệnh Cúm bắt đầu, cũng như cần tiêm đúng vắc xin theo mùa đã được khuyến cáo. Do Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, nên mùa cúm ở miền Bắc và miền Nam có thể lệch nhau chút về thời gian, nhưng vì chúng ta nằm trọn vẹn ở Bắc bán cầu và theo khuyến cáo của WHO, chúng ta nên tiêm đúng chủng loại vắc xin Bắc bán cầu mùa năm…. (ví dụ 2023-2024) tức là bao trùm từ mùa Đông năm nay tới hết mùa Xuân năm sau. Như vậy, vắc xin Cúm mùa được hiểu là mùa nào thì có vắc xin chủng đó như “mùa nào thức đó”.

Những kiến thức nêu trên là điều căn bản mà đôi khi không phải ai cũng biết, đặc biệt những ai không thuộc giới chuyên môn. Những thông tin ngắn gọn ở trên sẽ giúp cho mọi người có thêm kiến thức phòng bệnh, nâng cao sức khỏe và khả năng học tập, lao động.

(*) Khanh NC, Fowlkes AL, Nghia ND, et al. Burden of flu-Associated Respiratory Hospitalizations, Vietnam, 2014-2016. Emerg Infect Dis. 2021;27(10):2648-2657. doi:10.3201/eid2710.204765

Chuyên đề