Bất động sản TP.HCM sẽ điều chỉnh mạnh để khắc phục lệch pha cung – cầu

(BĐT) - Theo HoREA, thị trường bất động sản TP.HCM đến cuối năm 2017 và cả năm 2018 vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng, nhưng sẽ tiếp tục tình trạng chững lại so với năm 2016. Dự báo trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu hiện nay.
Để khắc phục tình trạng lệch pha cung – cầu, bất động sản TP.HCM sẽ điều chỉnh mạnh. Ảnh Ngô Ngãi
Để khắc phục tình trạng lệch pha cung – cầu, bất động sản TP.HCM sẽ điều chỉnh mạnh. Ảnh Ngô Ngãi

Chuyển hướng sang bất động sản vừa túi tiền

Theo dự báo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tới đây ở TP.HCM sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường bất động sản có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị.

Điều đáng lưu ý là, Thành phố đang nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng khoảng 1/3 quỹ đất nông nghiệp của Thành phố thành đất công nghiệp, dịch vụ, đất đô thị. Đây là cơ sở để định hướng phát triển thị trường bất động sản trong trung hạn và dài hạn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, quy mô thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay đã vượt ra khỏi ranh giới hành chính của Thành phố và đã có tính lan tỏa trong "Vùng TP.HCM", nhất là tại các huyện thuộc các tỉnh giáp ranh Thành phố.

Mặt khác, nhà nước sẽ ban hành nhiều quy phạm pháp luật mới từ nay đến năm 2020, và có thể sẽ sử dụng các công cụ về thuế, công cụ về tín dụng, công cụ về quy hoạch, công cụ hành chính để điều chỉnh thị trường bất động sản nhằm mục tiêu phát triển thị trường bất động sản lành mạnh và bền vững.

“Tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh, riêng đối với TP.HCM, dự kiến thu nhập GDP bình quân đầu người sẽ đạt 5.000 USD vào năm 2020 sẽ góp phần làm gia tăng nhu cầu tạo lập nhà ở, và phát triển thị trường bất động sản”, HoREA nhận định.

Xu thế hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ là tất yếu

Không chỉ thời gian qua mà cả trong giai đoạn tới, hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án (M&A) được HoREA tiên lượng sẽ phát triển mạnh hơn trước đây, trong đó, có phần nhờ vào việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu.

Một tín hiệu đáng được kỳ vọng nhất là dòng vốn đầu tư từ nước ngoài và nguồn kiều hối vẫn tiếp tục là nguồn lực quan trọng đầu tư vào nền kinh tế và thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Theo lý giải của ông Lê Hoàng Châu, yêu cầu của thị trường bất động sản hiện đại đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục tái cấu trúc, phải tự cải cách và đổi mới, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần doanh nghiệp, thể hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với khách hàng. Vì vậy, xu thế hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ là tất yếu.

Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo; và xu thế phát triển các dự án bất động sản xanh, thân thiện môi trường, an toàn, đầy đủ tiện ích là những đòi hỏi mới của người tiêu dùng mà nhà đầu tư phải đáp ứng.

Về dự báo có, hay không có "bong bóng" bất động sản trong 2 tháng cuối năm 2017 đến Tết Mậu Tuất và năm 2018? HoREA cho hay, khó có thể xảy ra, do có sự can thiệp, điều chỉnh ngày càng kịp thời và hiệu quả của Nhà nước.

Hơn nữa, do các doanh nghiệp cũng nỗ lực tái cơ cấu đầu tư, định hình lại sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường và do các nhà đầu tư thứ cấp ngày càng tỉnh táo, am hiểu thị trường hơn nên không lặp lại con đường cũ.

“Thành phố đang tập trung phát triển hệ thống hạ tầng đô thị mới, trước hết là đường giao thông, cầu cạn trên cao, các tuyến metro, đường sắt trên cao, xe buýt chất lượng cao, buýt đường sông, sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp "ăn theo" để đầu tư, phát triển thị trường bất động sản cả trong trung hạn và dài hạn”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Chuyên đề