Ảnh minh họa |
Bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đang là phân khúc giàu tiềm năng. Thông tin này được ghi nhận tại buổi họp báo giới thiệu về tổng quan thị trường quý I do Công ty Jones Lang Lasalle (JLL) tổ chức tại Hà Nội ngày 30/3.
Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc JLL tại Việt Nam dẫn chứng, quý I/2017, Việt Nam đã thu hút được 7,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2016. Theo khảo sát của JLL, vốn FDI chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 6,5 tỷ USD, chiếm tới 84,9% tổng FDI vào Việt Nam. Hoạt động kinh doanh bất động sản thu hút khoảng 344 triệu USD, chiếm 4,5% tổng vốn FDI.
Dòng vốn FDI vào công nghiệp và bất động sản tiếp tục tăng cũng là yếu tố thuận lợi để phát triển và thu hút hoạt động đầu tư vào các khu công nghiệp.
Tại Việt Nam, trước đây, đầu tư các khu công nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nội bởi họ là “thổ công” nên thông thạo các thủ tục và dễ “xin” đất. Do đó, các khu công nghiệp giai đoạn trước được đầu tư khá đơn giản, chủ yếu khoanh đất xây hàng rào, chia lô, lắp điện nước rồi cho thuê.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư nội còn có nhược điểm như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm bố trí cơ cấu các khu công nghiệp. Bởi vậy, các khu công nghiệp chưa thu hút khách thuê nên phân khúc đầu tư này cũng kém hấp dẫn vì tỷ lệ lấp đầy không cao.
Tuy nhiên, trong xu thế mở cửa hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam đang gia tăng, nhất là các đơn vị muốn đặt cơ sở sản xuất để tận dụng nguồn nhân công rẻ thì khu công nghiệp lại “đắt khách”. Phát triển bất động sản công nghiệp cũng sẽ tỷ lệ thuận với dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp – ông Quang phân tích.
Theo đó, một số doanh nghiệp ngoại cũng nhìn ra đích ngắm ở phân khúc này. Điều này cũng tạo nên một làm sóng mới trong phát triển bất động sản khu công nghiệp. Điểm nổi bật của nhà đầu tư ngoại là cách tổ chức, sắp xếp cơ cấu ngành hàng cho từng khu công nghiệp.
Các chuyên gia bất động sản cho rằng, muốn thành công, chủ đầu tư bất động sản khu công nghiệp bắt buộc phải nắm được nhu cầu của từng khách hàng, nhóm các ngành hàng thích hợp vào với nhau, bố trí tỷ trọng hợp lý… Điều này sẽ giúp doanh nghiệp thuê đất khu công nghiệp hoạt động thuận lợi hơn.
Việc thay đổi tư duy phát triển bất động sản công nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo ra những khu công nghiệp uy tín, chất lượng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp muốn xây dựng và mở rộng sản xuất tại Việt Nam.