Bắt đối tượng cầm đầu trong đường dây làm sổ đỏ giả lừa đảo 22 tỷ đồng

Hoàng Thị Điệp được xác định là kẻ cầm đầu một nhóm người dùng sổ đỏ giả thế chấp, chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng của ngân hàng L.V.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng thực hiện lệnh bắt tạm giam Hoàng Thị Điệp
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng thực hiện lệnh bắt tạm giam Hoàng Thị Điệp

Ngày 2-7, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng đã tống đạt các quyết định, thực hiện lệnh bắt tạm giam Hoàng Thị Điệp (SN 1977), trú thôn Đạ Sal, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”.

Trước đó, đối tượng này đã bị Công an tỉnh Lâm Đồng khởi tố nhưng do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên được tại ngoại. Nay cơ quan CSĐT thay đổi biện pháp ngăn chặn, thực hiện lệnh bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra. Hoàng Thị Điệp được xác định là kẻ cầm đầu một nhóm người dùng sổ đỏ giả thế chấp, chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng của ngân hàng L.V.

Tháng 8-2018, Văn phòng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng nhận được tin tố giác tội phạm của UBND huyện Lâm Hà do Công an huyện chuyển lên. Nhận thấy tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng của vụ việc, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng đã khẩn trương vào cuộc.

Kết quả điều tra bước đầu xác định có 12 đối tượng liên quan, trong đó có 5 cặp vợ chồng trú xã Liên Hà và thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, đứng tên trong các hồ sơ làm thủ tục vay vốn của ngân hàng và đã được giải ngân. Cả 10 bộ hồ sơ thế chấp giấy CNQSDĐ đất vay tiền đều là giả, không có tài sản thực.

Đối tượng Hoàng Thị Điệp

Liên quan đến vụ án, Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố 12 bị can, gồm Hoàng Thị Sợi (SN 1982), Hoàng Thị Mỹ Dung (SN 1988), Hoàng Thị Kim Phúc (SN 1994), Cao Văn Mẫn (SN 1983), Nguyễn Tiến Đạt (SN 1983), Nguyễn Văn Dực (SN 1970), Nguyễn Đức Chinh (SN 1959), Nguyễn Văn Vệ (SN 1966), Trần Xuân Mai (SN 1981), Hoàng Thị Mỹ Hạnh (SN 1990), Nguyễn Thành Long (SN 1975) về hành vi “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”. Riêng Hoàng Thị Điệp bị khởi tố hai tội danh là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”.

Hoàng Thị Điệp khai mua 10 giấy CNQSDĐ trên mạng sau đó nhờ những người trên đứng tên trong các hồ sơ thế chấp để chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Cơ quan điều tra cho biết, hợp đồng thế chấp vay tiền được các đối tượng thực hiện tại văn phòng công chứng Tr.A và M.A, đăng ký thế chấp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lâm Hà.

Công an tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục xem xét, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân “tiếp tay” cho nhóm đối tượng này làm giả con dấu, tài liệu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chuyên đề